Cua biển được xác định là một trong những loại thuỷ sản có giá trị, phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Vì thế, thời gian qua, huyện Kim Sơn đã có nhiều hỗ trợ về giống, vốn, khoa học kỹ thuật để khuyến khích người dân phát triển nuôi cua biển theo hướng an toàn.
Năm đầu tiên chuyển đổi hình thức nuôi cua từ quảng canh sang nuôi thâm canh, anh Mai Văn Lưu đang có 2 ao nuôi, tổng diện tích 7.000m2, số lượng gần 6.000 con cua giống, dự kiến cho thu hoạch 1,4 - 1,6 tấn cua trong năm 2018.
“Nhờ phương thức sản xuất an toàn, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, sản lượng và chất lượng cua của nhà tôi tăng lên đáng kể. Vụ này với giá cua thương phẩm dao động 200 - 300 nghìn đồng/kg, gia đình dự kiến thu lãi trên dưới 200 triệu đồng”, anh Lưu cho biết.
Ông Phạm Văn Kiệm - Giám đốc HTX thủy sản Kim Trung cho hay, HTX hiện có khoảng 500 hộ nuôi cua, với tổng diện tích nuôi 210ha, trong đó chủ yếu là nuôi cua vụ 2.
Thời gian qua, nhờ chăn nuôi an toàn, tuân thủ các quy trình về kỹ thuật như kiểm soát lượng nước, PH, phèn, kiềm... nên quá trình nuôi cua của thành viên HTX đem lại giá trị kinh tế ổn định. Bình quân lợi nhuận đạt 200 triệu đồng/ha/năm.
“Không chỉ hướng tới lợi nhuận, người nuôi cua trên địa bàn huyện đang quan tâm nhiều hơn đến yếu tố môi trường và an toàn lao động (ATLĐ). Quá trình nuôi trồng được áp dụng quy trình chuẩn, đảm bảo lượng thức ăn chăn nuôi, xử lý chất thải triệt để nhằm bảo vệ nguồn nước, hướng tới sự phát triển lâu dài”, ông Kiệm khẳng định.
Các mô hình thủy sản ở Kim Sơn đang cho hiệu quả cao nhờ phương thức chăn nuôi an toàn |
Bên cạnh cua biển, tôm cũng đang là vật nuôi có giá trị kinh tế cao tại Kim Sơn. Thu hoạch 5 tấn tôm thẻ trong vụ nuôi tôm 1 của năm 2018, ông Trần Kỳ (xóm 5, xã Kim Đông) thu về khoản lãi hơn 300 triệu đồng.
“Vụ này, gia đình tôi thả hơn 20 vạn con giống trên diện tích gần 1ha, sản lượng đạt gần 5 tấn. Tuy giá bán năm nay thấp hơn năm trước, chỉ đạt 150 nghìn đồng/kg, nhưng doanh thu vẫn đạt trên 700 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 40%”, ông Kỳ phấn khởi nói.
Cùng chung niềm vui, ông Trần Văn Phan (xóm 2, xã Kim Trung) với 2 ao nuôi tôm thẻ thâm canh cũng cho thu hoạch xấp xỉ 1,1 tấn tôm, cho lợi nhuân hơn 50 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Hải - Trạm trưởng Trạm Thủy sản Kim Sơn-Yên Khánh (Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Bình) đánh giá: “Có nhiều yếu tố giúp các mô hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Kim Sơn gia tăng hiệu quả trong những năm qua, song quan trọng nhất đến từ phương thức sản xuất an toàn”.
“Nếu trước đây, các hộ nuôi tự phát, thiếu kỹ thuật, thì nay, công tác vệ sinh, cải tạo ao đầm được chú trọng, các yếu tố môi trường, ATLĐ được đảm bảo, giúp năng suất, chất lượng thủy sản tăng lên, giá cả ổn định, sức cạnh tranh mạnh hơn”, ông Hải phân tích.
Dự kiến trong thời gian tới, huyện Kim Sơn sẽ đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ các HTX, hộ nuôi trồng hoàn thiện quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo ATLĐ, cải thiện môi trường nước; hình thành sản xuất, tiêu thụ theo hướng hàng hóa, xây dựng chuỗi giá trị, mở ra hướng đi hiệu quả, bền vững cho người dân địa phương.
Nhật Minh