Theo thống kê, toàn huyện Bàu Bàng hiện có trên 108.000 con gia súc, xấp xỉ 1,9 triệu con gia cầm. Về trang trại, trên địa bàn huyện có 267 trang trại, trong đó có 124 trang trại chăn nuôi heo, 99 trang trại nuôi gà. Nhiều mô hình liên kết chăn nuôi quy mô lớn, có ứng dụng công nghệ cao, cho hiệu quả vượt trội.
Nòng cốt là tổ hợp tác
Kể từ năm 2018, một trong những cách mà huyện Bàu Bàng giúp các hộ chăn nuôi cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, góp phần vào quá trình xây dựng kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường của địa phương chính là việc thành lập các tổ hợp tác phát triển kinh tế.
Các tổ hợp tác đóng vai trò quan trọng trong phát triển chăn nuôi ở Bàu Bàng (Ảnh TL). |
Điển hình, vào tháng 9/2020, tổ hợp tác Thanh niên phát triển kinh tế xã Long Nguyên được thành lập nhằm kết nối, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các thanh niên khác tại địa phương.
Tổ trưởng tổ hợp tác Phan Bá Hào cho biết, toàn hệ thống trang trại của đơn vị có quy mô xấp xỉ 1.000 con gà/lứa (chủ lực là giống gà Cao Khanh), hộ nuôi nhiều nhất khoảng 3.500 con/lứa, giá bình quân 45 – 60 nghìn đồng/kg.
Để nâng cao sức cạnh tranh, ổn định thị trường, tổ hợp tác chủ động phát triển chăn nuôi theo quy trình hữu cơ, với hệ thống chuồng trại được kiên cố hóa, đầy đủ các trang thiết bị, kỹ thuật, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn.
Trong quá trình chăn nuôi, thành viên tổ hợp tác không sử dụng hóa chất độc hại, chất kích thích tăng trưởng. Nguồn chất thải được xử lý đúng cách, một phần đưa vào hầm biogas để tạo chất đốt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, ở xã Long Nguyên hiện còn có tổ hợp tác phát triển chăn nuôi heo với 27 hộ tham gia, các thành viên duy trì sinh hoạt định kỳ để thông tin về kỹ thuật, giá cả thị trường và hỗ trợ liên hệ đầu ra cho sản phẩm.
Tương tự, sau hơn 10 năm phát triển, mô hình chăn nuôi lợn trên địa bàn ấp Đồng Chèo, xã Lai Uyên, đang có những chuyển biến cả về quy mô và chất lượng, mang đến hiệu quả kép về kinh tế và môi trường.
Từ chỗ chỉ hơn 1.000 con với vài hộ nuôi vào những năm 2008, đến nay trên địa bàn ấp Đồng Chèo đã có gần 20 mô hình chăn nuôi lợn theo hướng trang trại, với tổng số hơn 20.000 con. Nhờ chăn nuôi khoa học, thân thiện môi trường, Đồng Chèo là điểm sáng về chăn nuôi của xã, huyện.
Đẩy mạnh hỗ trợ
Rõ ràng, sự đồng hành của các cấp, ngành địa phương, cùng sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác đang giúp kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Bàu Bàng phát triển mạnh mẽ.
Huyện sẽ thêm các nguồn lực để hỗ trợ kinh tế trang trại phát triển (Ảnh TL). |
Đại diện Phòng NN&PTNT huyện Bàu Bàng cho hay đa số các trang trại chăn nuôi trên địa bàn hiện đã chuyển sang công nghệ nuôi chuồng lạnh, góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Huyện đang rất chú trọng đến công tác tuyên truyền về những tác hại của chất cấm trong chăn nuôi, về nuôi trồng, cung ứng các sản phẩm sạch để nâng tầm thương hiệu nông sản địa phương.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình chăn nuôi, huyện sẽ thường xuyên tổ chức các hội thảo qua nhiều kênh, nhiều ngành để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định về chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Huyện cũng sẽ chú trọng thành lập mới, phát huy hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi trên địa bàn nhằm định hướng người dân phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ, ổn định giá bán, gia tăng giá trị sản xuất, đảm bảo phát triển bền vững.
Hưng Nguyên