Thôn Làng Hà có gần 80% là đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống. Trước kia, sống trên vùng đất đồi núi nhưng người dân chỉ biết canh tác cây lúa, đời sống gặp nhiều khó khăn. Kể từ năm 1999, mô hình trồng su su bắt đầu được người dân trong thôn triển khai, nhân rộng, cho hiệu quả tích cực, hiện đạt trên 50 ha.
Đổi mới tư duy sản xuất
Sở hữu hơn 3 sào trồng su su theo hướng hữu cơ, anh Lý Văn Mẫn, thành viên Tổ hợp tác su su Làng Hà, cho biết những năm qua, để nâng cao giá trị cây su su, các hộ sản xuất đã chủ động tuân thủ quy trình canh tác hữu cơ, VietGAP, sử dụng các loại phân bón vi sinh, thân thiện môi trường, loại bỏ hóa chất độc hại, thuốc trừ cỏ.
Các hộ trồng su su ở Làng Hà đang chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP (Ảnh TL). |
“Nhờ áp dụng sản xuất su su theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất, chất lượng ngọn su su của gia đình tôi và các thành viên Tổ hợp tác bảo đảm hơn. Nhiều năm nay, su su được coi là cây giảm nghèo và phát triển kinh tế cho người dân địa phương”, ông Mẫn cho hay.
Tương tự, gia đình chị Trần Thị Hằng hiện đang trồng hơn 5 sào su su. Chị chia sẻ, thôn Làng Hà có nền nhiệt thấp, khí hậu mát mẻ, điều kiện thổ nhưỡng tốt, nên đặc biệt thích hợp cho cây su su phát triển, mẫu mã đẹp, vị ngon, ngọt đặc trưng.
Cây su su phát triển phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Khi thời tiết ấm, mỗi sào su su cho thu hoạch từ 35 - 40kg/sào, còn khi thời tiết lạnh thì cho thu hoạch khoảng 10 - 15kg/sào. Trung bình một sào rau su su cho thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng.
“Để kịp cho những chuyến rau phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh, bà con nông dân ở Làng Hà phải dậy từ 3 - 4 giờ sáng, mang theo đèn pin để thu hoạch rau su su bán cho các mối buôn. Dù vất vả, nhưng nhìn chung, trồng su su cho thu nhập cao hơn so với những loại cây truyền thống”, chị Hằng nhấn mạnh.
Cũng giống như hầu hết các hộ trồng su su trong thôn, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, chị Hằng áp dụng quy trình canh tác theo quy trình VietGAP, hữu cơ, thân thiện môi trường.
Việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu luôn theo danh mục cho phép, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, gồm đúng loại, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian.
Việc loại bỏ cỏ dại được tiến hành thủ công bằng tay, hoặc sử dụng máy cắt. Các loại bao bì, vỏ chai lọ nhựa phát sinh trong quá trình sản xuất cũng được các hộ thu gom, xử lý đúng quy định.
Khơi thông thị trường tiêu thụ
Theo lãnh đạo UBND xã Hồ Sơn, su su đang là một trong những cây kinh tế chủ lực trên địa bàn thôn Làng Hà, nhờ sản xuất khoa học, thân thiện môi trường. Mô hình trồng su su có thể khai thác ngọn trong thời gian 6 - 7 tháng, cho giá trị kinh tế trung bình hơn 180 triệu đồng/ha/năm.
Cần sự đồng hành của địa phương để giúp người dân khơi thông thị trường (Ảnh TL). |
Theo đó, giá trị kinh tế của cây su su cao gấp 3 - 4 lần so với cây lúa trong cùng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng chân núi Tam Đảo. Cũng nhờ hiệu quả của mô hình trồng su su, thu nhập bình quân ở thôn Làng Hà hiện đạt trên 55 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh theo từng năm.
Đang có sự tiến bộ vượt trội về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ vẫn là bài toán cần được giải hết, nhằm đem đến lợi ích bền vững cho người dân.
Ông Trần Văn Phát, cán bộ thôn Làng Hà, cũng là một trong những hộ tiên phong trồng su su ở địa phương cho hay, các sản phẩm rau su su VietGAP Làng Hà đang được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, thậm chí là xuất khẩu sang nước ngoài.
“Tuy nhiên, nhìn chung, giá rau su su vẫn khá thất thường, lên xuống từng ngày, tùy theo nhu cầu của thị trường. Có những thời điểm, giá lên cao nhất đạt 15.000 - 20.000 đồng/kg, nhưng có khi giá rau cũng hạ xuống 1.500 - 2.000 đồng/kg”, ông Phát nói.
Để giải quyết những khó khăn hiện tại, thời gian tới, ngành nông nghiệp xã Hồ Sơn dự kiến đẩy mạnh hỗ trợ về tập huấn, dạy nghề để người dân trên địa bàn thôn Làng Hà tiếp tục nâng chất sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Cùng với đó, xã sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các tổ hợp tác, hộ trồng su su trong thôn kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu, hoàn thiện hệ thống bao bì, nhãn mác, mã QR phục truy xuất nguồn gốc, từ đó đưa sản phẩm vào hệ thống cửa hàng, siêu thị uy tín, gia tăng giá trị sản phẩm…
Lệ Chi