Theo số liệu của UBND tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 1/1/2018, diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh là 54.361 ha, tăng 16,9% so với năm 1/1/2017. Trong đó, tôm thẻ chân trắng 34.098 ha, tăng 30%; diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đạt 48.128 ha, tăng 45,2%.
Chú trọng bảo vệ môi trường
Nhờ nhận thức đúng đắn, không ít mô hình nuôi tôm trong tỉnh đã chú trọng việc bảo vệ môi trường (BVMT). Sóc Trăng đang nỗ lực khuyến khích người dân, HTX, THT, DN tiếp tục đầu tư phát triển các mô hình nuôi tôm sạch, đạt hiệu quả cao, nhưng phải tuân thủ tốt việc BVMT.
Qua kiểm tra, khảo sát thực tế của cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng cho thấy nhiều mô hình nuôi tôm của các HTX, THT đã và đang tuân thủ tốt các quy định về BVMT; trong đó, việc bố trí hệ thống xử lý chất thải, nước thải đã phần nào đáp ứng các điều kiện theo quy định. Hầu hết các THT, HTX nuôi tôm siêu thâm canh đều có bố trí ao chứa và xử lý nước thải, bố trí diện tích ao chứa phù hợp.
Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do phần lớn các chất hữu cơ dư thừa từ thức ăn, phân trong quá trình nuôi đọng lại ở đáy ao nuôi, HTX Hòa Nghĩa (thị xã Vĩnh Châu) đã thống nhất tất cả các thành viên thực hiện 5 cùng (cùng chuẩn bị ao, cùng lấy nước, cùng thả giống, cùng chế độ chăm sóc quản lý và cùng phòng trừ dịch bệnh), đồng thời thông báo cho nhau biết tình trạng tôm nuôi hàng ngày.
Với diện tích 27 ha, cứ 5 - 8 ha, HTX lại bố trí 1 ao lắng để cấp nước đã qua xử lý cho các ao nuôi tôm. Khi con nước lớn và sạch, HTX mới lấy nước vào ao lắng, sau đó khử trùng, đợi 5 - 7 ngày mới lấy nước vào ao nuôi tôm.
Nước lấy vào ao nuôi phải được lọc qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ ấu trùng đồng thời bổ sung đầy đủ các thông số cần thiết phù hợp với môi trường tôm sinh trưởng.
Nhờ đó, từ khi thành lập đến nay, hoạt động nuôi tôm của HTX phát triển ổn định, không hề có dịch bệnh. Các thành viên cũng yên tâm sản xuất khi đã ký hợp đồng tiêu thụ tôm với công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex).
Hiện nay, Sóc Trăng có 27 HTX với 1.160 thành viên và 2.658 ha nuôi trồng thủy sản; 162 THT với 3.262 thành viên và 3.341 ha (20 THT về khai thác thủy sản).
Trong đó, nuôi tôm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, ASC và liên kết giữa HTX/THT với DN để chia sẻ lợi ích, BVMT, bảo đảm đầu vào và đầu ra cũng được thực hiện thành công ở nhiều mô hình.
Vùng ao nuôi tôm của HTX Hòa Nghĩa, Sóc Trăng |
Không kháng sinh, không hóa chất
Tiêu biểu như HTX Nông Ngư 14/10 Hòa Nhờ A (huyện Mỹ Xuyên) với mô hình nuôi tôm sú theo tiêu chuẩn VietGAP; HTX Thành Đạt (huyện Mỹ Xuyên) với mô hình nuôi tôm công nghệ cao nói không với kháng sinh, THT Tôm lúa ấp Hòa Nhờ (huyện Tân Phú Đông)…
Nhiều HTX đã không sử dụng kháng sinh mà chú trọng công tác phòng bệnh để hạn chế tình trạng kháng thuốc và tích tụ dư lượng kháng sinh trong thịt thủy sản.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc HTX Thành Đạt, cho biết người nuôi chỉ nên sử dụng kháng sinh khi không còn cách nào khác để kiểm soát dịch bệnh. Ngược lại, nếu sử dụng bừa bãi sẽ dẫn tới việc hình thành hệ vi sinh vật kháng thuốc kháng sinh, đồng thời hủy diệt hệ vi sinh vật tự nhiên, khiến các sinh vật nuôi phải chịu nhiều điều kiện khắc nghiệt hơn, dễ xảy ra dịch bệnh, từ đó làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, các HTX, THT đã chú trọng xử lý nguồn nước bằng chế phẩm vi sinh thay cho việc sử dụng tràn lan các hóa chất.
Theo ông Nguyễn Văn Hết - thành viên THT Hòa Nhờ, những vụ nuôi trước đây, ông và các tổ viên đều sử dụng hóa chất khiến nguồn nước và đất trong ao không được tốt, tôm thường bị nhiễm bệnh.
Từ cuối năm 2016, với diện tích 1.500 m2 ao nuôi, ông chỉ sử dụng 5 kg chế phẩm EM xử lý môi trường, 5 kg men tiêu hóa và chỉ bổ sung thêm chất khoáng, không cần phải sử dụng thuốc kháng sinh mà tôm sống vẫn đạt tỷ lệ cao, tăng trọng khá nhanh....
Việc chú trọng xử lý nguồn bệnh trong môi trường nuôi tôm bằng việc hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng kháng sinh và nói không với hóa chất đã giúp nhiều mô hình nuôi tôm hạn chế được chi phí từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, trong khi vẫn đạt hiệu quả cao như mong muốn.
Như Yến