Nhiều năm trước, hầu như các xã ven biển Quỳnh Lưu đều nuôi tôm theo quy mô nhỏ trên ao đất. Gia đình ông Tin cũng là hộ như vậy, nên rủi ro trong chăn nuôi rất lớn: Tôm dễ gặp dịch bệnh do môi trường mang lại. Rất nhiều hộ đã sạt nghiệp, bỏ tôm phiêu bạt vì thua lỗ lớn.
Ông Hoàng Xuân Tin cho tôm ăn |
Thăng trầm với tôm
Theo ông Tin: "Mình sinh ra ở miền biển, không bám biển mưu sinh thì sống bằng nghề gì". Vậy là, sau nhiều năm bươn chải, đến năm 1990, ông đã quyết định về quê nhận đất để nuôi tôm.
Vùng đất ông Tin đang sử dụng trước đây là của Nông trường Trịnh Môn cũ. Đó là vùng đất để hoang nhiều năm, thấp trũng rất khó sản xuất nên quyết định của ông Tin khiến vợ con lo lắng.
Ngoài kiến thức về nghề nuôi tôm tự học, ông Tin chẳng có gì. "Tôi chỉ biết lấy sự quyết tâm của bản thân để thuyết phục mọi người. Dù là rất quyết tâm, nhưng nói thật là trong lòng vẫn thấy lo", ông Tin kể.
Sau một thời gian cải tạo, những ao nuôi tôm đầu tiên của ông Tin cũng đã hình thành. Do ít vốn, ông Tin chỉ đào ao nhỏ với tổng diện tích khoảng 1 mẫu, vừa nuôi vừa thăm dò và học hỏi thêm. Những ngày đầu, tôm nhà ông Tin phát triển khá tốt; nhưng khi được gần 2 tháng tuổi thì tôm đổ bệnh.
Thời điểm tôm mới phát bệnh, dù đã cố công chăm sóc phòng bệnh cẩn thận nhưng ông Tin không ngờ dịch đốm trắng vẫn có thể lây lan từ các ao khác sang ao nhà mình. Và một kịch bản không ngoài dự đoán: Chỉ trong mấy ngày, toàn bộ các ao nuôi đều nhiễm bệnh chết hàng loạt khiến cơ nghiệp ông Tin lung lay.
"Sau mấy đêm, tôm nổi trắng cả mặt hồ. Tôi cứ ngồi thất thần hàng giờ trên ao tôm mà không hiểu vì sao. Hay là bỏ nghề, nếu tiếp tục nuôi thì vốn liếng lấy đâu ra", ông Tin nhớ lại.
Buồn và thất vọng nhưng rồi ông Tin lại tự mình gượng dậy. Từ thất bại này, ông Tin nhận ra rằng nguồn nước đóng vai trò rất quan trọng trong chăn nuôi, nhất là với những sinh vật sống phụ thuộc hoàn toàn vào nước như con tôm.
Sau nhiều đêm trăn trở, ông Tin đã có quyết định táo bạo là không tiếp tục sử dụng nước lấy từ sông Mai Giang đã ô nhiễm, mà đầu tư lắp đặt đường ống dẫn nước biển về trực tiếp ao nuôi tôm của mình.
Sau 20 ngày thuê mượn người đào múc và lắp đặt, hệ thống đường ống dài hơn 4.000 m với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng đi vào vận hành.
Sau khi bơm nước từ ngoài biển vào trong ao, ông tiếp tục lấy nguồn nước ngọt từ hệ thống kênh Đô Lương pha với tỷ lệ nước biển 60%, nước ngọt 40%. Sau đó dùng clorine xử lý nguồn nước rồi mới bơm nước vào từng ao để thả tôm giống.
Nhờ nguồn nước mặn dẫn từ biển về, công việc nuôi tôm của ông Tin trở nên thuận lợi, những năm sau, các ao tôm của ông Tin phát triển khá tốt. Có năm, ông thu lợi từ mấy ao nuôi gần 1 tỷ đồng.
Mở lối cho nghề nuôi CNC
Sau những thất bại lớn, ông Tin như ngộ thêm nhiều điều mà kinh nghiệm nuôi tôm của ông chưa biết đến. Từ các ao đầm sẵn có, ông Tin đã chuyển sang nuôi tôm theo hướng ứng dụng CNC.
Từ năm 2013, toàn bộ trang trại của ông đều thực hiện theo quy trình chăn nuôi VietGAP. Năm 2016, ông tiến thêm một bước: Đầu tư xây dựng nhà lưới CNC để nuôi tôm trái vụ.
Theo ông tính toán khi nuôi tôm theo hình thức này chi phí đầu tư khoảng trên 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán nghịch vụ so với thông thường có thể cao hơn 70 - 100.000 đồng/ kg. Tính ra lợi nhuận còn cao hơn nuôi tôm thông thường.
Không chỉ dừng lại ở nuôi tôm trong nhà lưới, đầu năm 2018, ông Tin còn mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống bể xi măng nuôi tôm CNC. Tại mỗi bể, ông thiết kế rộng 25 - 50 m2, cao hơn 1m. Trên các bể nuôi, ông còn đầu tư khung dàn mái che hình chóp nón. Trong mỗi bể nuôi tôm được lắp đặt máy sục khí, hệ thống dẫn và cấp thoát nước ra ngoài riêng biệt.
Áp dụng mô hình nuôi tôm trong bể, ông Tin thả tôm với mật độ khá dày, khoảng 400 con/m2 (gấp 3 lần so với mật độ thả tôm ở ao nuôi). Sau 3 tháng nuôi, mỗi bể cho thu hoạch 120 - 150 kg tôm. Trừ chi phí, ông Tin còn thu lãi 31 triệu đồng/bể.
Hiện với tổng diện tích 12 ha, ông Tin chia làm 18 bể nuôi tôm CNC và 8 ao nuôi ngoài. Nhờ nuôi tôm đã cho ông thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm.
Thanh Hải