“Đi ngang Long An, nhớ ghé ăn khóm Bến Lức” là câu nói truyền tai nhau của nhiều người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khẳng định tên tuổi trái khóm Bến Lức nổi tiếng thơm ngon. Ngoài những loại cây trái nổi tiếng khác, cây khóm bén duyên trên vùng đất Bến Lức từ rất lâu.
Đẩy mạnh liên kết
Qua nhiều thập kỷ phát triển, nghề trồng khóm ở Bến Lức đối diện không ít khó khăn, có thời điểm thị trường bấp bênh, mô hình gần như bị “xóa sổ” tại địa phương.
Mô hình trồng khóm có giá trị cao nhờ chú trọng liên kết, sản xuất sạch (Ảnh TL). |
Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ sự đồng hành của các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, cùng sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người dân, mô hình trồng khóm ngày càng cho thấy hiệu quả cao, mở ra hướng đi bền vững cho nông dân.
Theo thống kê, toàn huyện Bến Lức hiện có diện tích trồng khóm lên tới hơn 400 ha, thu hút hàng trăm hộ sản xuất, tập trung trên địa bàn các xã Thạnh Hòa, Thạnh Lợi...
Điển hình nhất có thể kể đến xã Thạnh Lợi đang tổ chức nông dân sản xuất khóm theo hướng liên kết, hiện đại, thân thiện môi trường.
Thạnh Lợi hiện có 1 HTX và 1 tổ hợp tác trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP, với quy trình sản xuất khoa học, mang lại giá trị kép về kinh tế và môi trường sinh thái.
Cụ thể, trong quá trình sản xuất, các hộ được tập huấn kỹ thuật, nắm vững quy trình sản xuất sạch, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, ưu tiên các hợp chất hữu cơ, vi sinh, từ đó nâng cao hiệu quả, ngăn thoái hóa, xói mòn đất, giảm thiểu ô nhiễm.
Các hộ trồng khóm cũng được hướng dẫn sử dụng các loại thiên địch để diệt các loại côn trùng gây hại. Các loại bao bì ni lông, chai lọ nhựa được thu gom tập trung, xử lý đúng cách.
Không chỉ hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật, các địa phương của huyện Bến Lức còn hỗ trợ xây dựng đê bao ngăn mặn, triều cường cho người trồng khóm.
Phát huy giá trị
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Bến Lức, cây khóm có khả năng thích ứng tốt trên vùng đất phèn và còn có thể chịu mặn. Khóm dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, chăm sóc đơn giản. Sau khi trồng khoảng 14-18 tháng, khóm sẽ cho thu hoạch 3-5 năm.
Khóm Bến Lức được thị trường ưa chuộng nhờ chất lượng cao và an toàn (Ảnh TL). |
Trong những thời điểm khó khăn, để nông dân quay lại với nghề trồng khóm, các địa phương đã có chủ trương hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong việc nhân rộng mô hình.
Với sự đồng hành của địa phương, các HTX, tổ hợp tác, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã áp dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật vào trồng khóm, xử lý cho cây ra trái theo ý muốn, thâm canh,...
Kết quả, cây khóm trên địa bàn huyện Bến Lức hiện đạt năng suất bình quân từ 20 - 25 tấn/ha/năm, doanh thu trung bình đạt 300 - 500 triệu đồng/năm.
Thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh vai trò của các HTX trong việc hình thành chuỗi giá trị, huyện Bến Lức sẽ tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ sản xuất cho các hộ trồng khóm, đặc biệt là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Công tác kết nối thị trường, nâng tầm thương hiệu sản phẩm cũng sẽ được huyện Bến Lức chú trọng hơn thông qua các hoạt động hỗ trợ HTX, người dân trồng khóm hoàn thiện bao bì, nhãn mác, tăng tính nhận diện.
Hưng Nguyên