Xác định sản xuất vụ Đông là một vụ chính đem lại giá trị kinh tế cao, ngay từ cuối vụ mùa, UBND huyện Vĩnh Bảo đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các xã, thị trấn, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân, HTX nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đưa các giống cây trồng có năng suất, giá trị cao vào sản xuất.
HTX đẩy mạnh sản xuất vụ Đông, nâng cao giá trị cây trồng
Đến nay, toàn huyện đã có trên 90% diện tích vụ Đông được gieo trồng đúng thời vụ với các loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao. Nhiều HTX đã tích cực tham gia vào việc trồng và tiêu thụ sản phẩm cùng bà con nhân dân.
Như ở xã Thắng Thủy, từ nhiều năm nay, phong trào trồng cây vụ Đông đã phát triển rộng khắp trên địa bàn, đây cũng là 1 trong những địa phương đi đầu của huyện Vĩnh Bảo trong sản xuất vụ Đông. Ngay từ vụ mùa, người dân đã đẩy thời gian gieo cấy lúa lên sớm hơn để giải phóng đất phục vụ trồng cây vụ Đông. Sau khi thu hoạch lúa mùa, bà con lại bắt tay ngay vào làm đất để trồng vụ 3 với cây ngô, rau màu các loại…. Diện tích cây trồng vụ Đông được mở rộng hàng năm đồng nghĩa với việc thu nhập của người dân tăng lên đáng kể.
Bà Cao Thị Hằng – Giám đốc HTX Sản xuất Kinh doanh dịch vụ Nông nghiệp Thắng Thủy cho biết: Toàn xã Thắng Thủy có khoảng 100ha đất phù sa bồi đắp (đất cát tơi xốp) là cơ sở thuận lợi để phát triển trồng trọt. Năm nay, tổng diện tích trồng rau màu các loại của toàn xã đạt khoảng 150ha, trong đó 20ha trồng cây hoa cúc dược liệu, 50ha trồng bắp cải, 20ha trồng ớt đỏ và diện tích còn lại là rau màu các loại…
"HTX tham gia cung ứng tất cả các loại giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV và thu mua sản phẩm cho bà con nông dân trong toàn xã theo giá thị trường. HTX đã góp phần lớn trong việc thúc đẩy tiêu thụ, quảng bá sản phẩm hoa cúc dược liệu của địa phương", bà Hằng phấn khởi nói.
Cánh đồng hoa cúc đang vào mùa thu hoạch. |
Khoảng 3 năm trở lại đây, người dân xã Thắng Thủy đã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho giá trị kinh tế cao, cụ thể là chuyển từ trồng chuối, trồng lúa sang trồng hoa cúc dược liệu (một loại hoa cúc màu vàng, hoa nhỏ bằng chiếc cúc có nhiều công dụng như làm trà, vị thuốc, tạo mùi hương…).
Hộ gia đình nhà ông Nguyễn Duy Dương đã mạnh dạn trồng 5 sào hoa cúc. Cúc dược liệu được trồng vào khoảng tháng 7 âm lịch. Thời gian thu hoạch kéo dài từ 1 -1,5 tháng, hết lượt hoa này sang lượt hoa khác, mỗi lượt chỉ cách nhau từ 3- 5 ngày.
Năm nay, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài nên trung bình mỗi sào đạt 3 tạ -3,5 tạ hoa cúc dược liệu tươi, nhà ông bán hoa tươi tại ruộng với giá 28 – 30.000 đồng/kg. Trừ mọi chi phí đầu tư, mỗi sào gia đình ông cũng thu về được 10 – 15 triệu đồng.
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài trong tháng 7 và tháng 8 nên sản lượng hoa cúc dược liệu năm nay của nông dân bị giảm sút so với những năm trước. |
Những ngày này, tại các thửa ruộng ở xã Thắng Thủy được nhuộm lên bởi 2 màu đặc trưng là màu vàng ruộm của hoa cúc và màu xanh mướt mát của bắp cải. Trao đổi với VnBusiness, chị Nguyễn Thị Lánh phấn khởi cho biết: Mỗi năm gia đình tôi trồng từ 5-6ha bắp cải, so với cấy lúa, trồng bắp cải cho thu nhập cao hơn gấp 6-7 lần. Năm nay rau lại được giá, dễ tiêu thụ, thời tiết lạnh nhiều thích hợp cho loại rau này phát triển.
Trung bình mỗi ngày, HTX nông nghiệp Thắng Thủy thu gom và cung cấp ra thị trường 5 tạ rau củ các loại, đặc biệt vào những ngày thu hoạch chính vụ, HTX thu mua khoảng 20 tấn rau củ mỗi ngày cho bà con nông dân.
Trồng nấm vụ Đông - hướng đi hiệu quả
Khác với xã Thắng Thủy, không có lợi thế về đất phù sa màu mỡ được bồi đắp hàng năm, để phá vỡ thế độc canh của nông nghiệp với cây lúa, nông dân tại xã Vĩnh Phong (huyện Vĩnh Bảo) lại đẩy mạnh phát triển mô hình trồng nấm thương phẩm các loại.
Tiền thân từ một Tổ hợp tác sản xuất nấm an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP của huyện, đến nay là HTX Sản xuất nấm Vĩnh Phong với mô hình trồng nấm đang từng bước được nhân rộng trong huyện.
Sản phẩm nấm trứng rất phù hợp với khí hậu mùa Đông tại miền Bắc . |
Vụ Đông này, gia đình chị Phạm Thị Tuyên, thành viên HTX sản xuất nấm Vĩnh Phong dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn nấm thương phẩm các loại (nấm sò, nấm mỡ, nấm đùi gà). Hệ thống xưởng sản xuất nấm của gia đình chị Tuyên rộng khoảng 2.000m2 (gồm các khu trộn, ủ phôi giống, nhà treo nấm, nhà lạnh…).
“Thời gian sinh trưởng và phát triển tốt nhất của các loại nấm thường bắt đầu từ khoảng tháng 9 đến hết tháng 3 âm lịch năm sau. Từ đầu mùa đến nay, gia đình tôi đã cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn nấm các loại. Chúng tôi đang tập trung sản xuất để từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ cung cấp thêm khoảng 20 tấn. Sản phẩm của chúng tôi chủ yếu bán giao tại các chợ đầu mối lớn, các nhà hàng, quán ăn…”- chị Tuyên chia sẻ.
Ông Đỗ Văn Tuấn – Giám đốc HTX sản xuất nấm Vĩnh Phong cho biết: Trung bình mỗi năm HTX thu lãi khoảng 1 tỷ đồng từ việc trồng nấm. Để giúp một số hộ dân trong huyện phát triển kinh tế gia đình, HTX đã chuyển giao công nghệ trồng nấm cho một số hộ gia đình như anh Nguyễn Văn Sáng xã An Hòa, anh Nguyễn Văn Chín xã Vinh Quang, chị Nguyễn Thị Chính xã Hùng Tiến…
"Tất cả những sản phẩm nấm thương phẩm của các hộ trồng ra, HTX sẽ thu mua toàn bộ. Trồng nấm không khó, vốn đầu tư ban đầu không nhiều. Đặc biệt, mùa Đông, Xuân của miền Bắc rất phù hợp cho cây nấm phát triển, thu nhập khá nên ngày càng có nhiều nông dân quan tâm học tập và làm theo", ông Tuấn nói.
Việc tìm các giống cây trồng mới và mở rộng diện tích sản xuất cây vụ Đông là hướng đi tích cực, vừa sản xuất thâm canh, tăng vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vừa góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân và mang lại những "mùa vàng" cho các HTX nông nghiệp ở Vĩnh Bảo.
Thanh Vân