HTX Cam Thành Nam đang đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu cho quả táo. Đây cũng là bước đệm vững chắc giúp đầu ra cho sản phẩm đặc trưng của địa phương vươn xa.
Trồng táo theo quy trình VietGAP
Người trồng táo nơi đây vẫn có lãi nếu táo được bán ra ở mức 8.000-10.000 đồng/kg, nông dân trồng khoảng 10.000m2 táo có thể lãi trên dưới 120 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, do giá táo khá bấp bênh, có năm chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg nên nhiều gia đình bị thua lỗ, không thể duy trì diện tích. Đó là còn chưa kể đến việc táo bị sâu bệnh, hoặc chết do thiếu nước.
Trước thực tế này, HTX ra đời và định hướng người dân tập trung sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP.
Các thành viên đều đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm và lưới để che côn trùng. Tất cả các khâu từ giống táo, quy trình tưới, bón phân, phun thuốc trừ sâu đều phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt.
Theo các thành viên, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm giúp người trồng táo không tốn công sức mà nước lại thấm, lâu khô khiến vườn táo lúc nào cũng có nước. Chỉ cần tưới nước khoảng 3 giờ liên tục thì vườn táo ướt 3-4 ngày, rất thích hợp với vùng khô hạn như Cam Thành Nam.
HTX Cam Thành Nam góp phần bảo vệ môi trường nhờ sản xuất theo chuẩn VietGAP (Ảnh: TL) |
Ngoài việc dùng lưới, các thành viên còn dùng các loại bẫy thủ công và bẫy có bả sinh học để bắt côn trùng, nhờ đó tình trạng ruồi vàng đục quả được giải quyết.
Áp dụng quy trình VietGAP chính là cách quản lý và sản xuất nông sản đảm bảo an toàn ở tất cả các khâu từ chuẩn bị làm đất đến bảo quản sau thu hoạch. Để đạt được chứng nhận, HTX phải bảo đảm được 4 tiêu chuẩn cơ bản là: kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường và truy nguyên nguồn gốc.
Do vậy, sản phẩm đưa ra thị trường không chỉ an toàn về chất lượng mà còn có khả năng truy nguyên nguồn gốc thông qua mã điện tử.
Hiện, sản lượng táo của HTX tăng 10-20% (đạt 60-70 tấn/ha) so với phương pháp trồng cũ. Quả táo cũng đạt tiêu chuẩn về mẫu mã: quả to đều, ngọt, không bị sâu, nám...
Nếu như trước đây, táo chủ yếu bán cho thương lái thì nay đã được các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch, các đơn vị sự nghiệp đến đăng ký thu mua. Táo được sơ chế, đóng hộp, dán tem nhãn và có mã QR trước khi xuất ra thị trường.
Nâng chất lượng môi trường
Trước đây, tình trạng ruồi vàng đục quả trở thành vấn nạn và người dân không biết cách nào để giải quyết. Các hộ dân chỉ mua thuốc diệt ruồi về phun, thậm chí phun thuốc cũng không thể tiêu diệt triệt để nên vừa ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, vừa làm hại đến môi trường sản xuất.
Tuy nhiên, khi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, thay vì dùng tiền mua thuốc bảo vệ thực vật, các thành viên quyết định mua lưới bao giàn táo vừa tránh được ruồi vàng và các loại côn trùng xâm nhập, vừa giúp đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường vì không còn phải xịt thuốc, đáp ứng được các tiêu chuẩn sản xuất sạch nên giá táo bán vì thế cũng cao hơn.
Điều kiện khí hậu nắng nóng cũng là điểm thuận lợi để HTX thành công khi áp dụng công nghệ vào sản xuất (Ảnh: TL) |
Ông Hồ Văn Niệm, thành viên HTX, cho biết việc sử dụng lưới che chắn côn trùng bao quanh vườn táo đem lại rất nhiều ưu điểm như: Lưới giúp che chắn không cho côn trùng, đặc biệt là ruồi vàng đục quả xâm nhập, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm sản xuất an toàn.
Ngoài ra, màn lưới giúp cản tia mặt trời chiếu vào táo, bảo vệ trái bớt bị rám vỏ và sậm màu. Lưới còn có tác dụng che bớt sương muối, gió bấc làm thui lá, gẫy cành, mưa gió gây rụng quả. Từ khi đi vào hoạt động HTX đã tăng cường tập huấn, hướng dẫn các hộ sử dụng thuốc sinh học phòng, trừ sâu bệnh cho cây; tăng cường bón phân hữu cơ thay phân bón vô cơ, bảo đảm sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường, chống độc cho đất.
Tuy sản xuất tại vùng có khí hậu khô nóng nhưng đây cũng là điều kiện thuận lợi để HTX Cam Thành Nam ứng dụng và kết hợp các công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững và đặc biệt đây là một trong các giải pháp bảo vệ môi trường trong nông nghiệp hiệu quả nhất hiện nay.
Như Yến