Nhiều năm trước, Thường Xuân được biết đến là một huyện miền núi nghèo nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, những năm đây, đời sống người dân địa phương ngày càng được nâng cao nhờ tham gia vào các HTX nông nghiệp trong huyện.
Nông dân thoát nghèo nhờ vào HTX
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thường Xuân có 18 HTX dịch vụ nông nghiệp; trong đó 100% các HTX đã hoàn thành chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Điển hình như HTX dịch vụ nông nghiệp Thọ Thanh liên kết sản xuất mía chất lượng cao, rau quả an toàn; HTX dịch vụ nông nghiệp Ngọc Phụng liên kết sản xuất ngô làm thức ăn chăn nuôi, ớt xuất khẩu; HTX dịch vụ nông nghiệp Luận Thành liên kết thu mua sắn, gà thương phẩm cho người dân... Doanh thu bình quân của các HTX đạt khoảng 1,1 tỷ đồng/HTX/năm.
HTX nông nghiệp giúp nông dân thoát nghèo (Ảnh: Tư liệu) |
Tương tự, nhiều hộ dân ở xã Thọ Sơn (Triệu Sơn) không còn chăn nuôi theo tập quán lạc hậu "tự cung, tự cấp" mà đã đổi mới tư duy, chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung theo chuỗi liên kết, đầu tư con giống chất lượng, chuồng trại. Đó là kết quả của việc thành lập HTX dịch vụ chăn nuôi gà ta Thanh Hóa nhằm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà lai chọi, gà ri.
Sau gần 4 năm thành lập, HTX đã mở rộng địa bàn liên kết tại 4 huyện Triệu Sơn, Thường Xuân, Như Xuân, Cẩm Thủy, với công suất nuôi của HTX đạt 20.000 con/lứa, hằng ngày cung cấp khoảng 2 tấn gà thịt cho thị trường. Hiện tại, sản phẩm gà thương phẩm của HTX đạt tiêu chuẩn VietGAP, cung ứng sản phẩm chất lượng ổn định cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Không chỉ chủ động liên doanh, liên kết nhằm tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân, để nâng cao chất lượng hoạt động, HTX Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đông Phương Hồng, xã Thọ Hải (Thọ Xuân) đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cung ứng các dịch vụ nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm chất lượng cao cho các hộ xã viên.
Theo ông Trần Lê Văn, Giám đốc HTX Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đông Phương Hồng, HTX tập trung thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả, chuyển đổi đất trồng cây rau màu truyền thống sang các giống cây có thị trường tiêu thụ, như: Khoai tây, ớt xuất khẩu, rau an toàn và mía thâm canh chất lượng cao.
Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp rất hiệu quả (Ảnh: Tư liệu) |
Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các sản phẩm, như: Rau theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; nấm hữu cơ... nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Thông qua việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hằng năm, HTX đã bảo đảm đầu ra cho 10 ha rau an toàn, 110 ha mía chất lượng cao và gần 20 ha ngô dày, cỏ chăn nuôi... Nhờ đó, thành viên của HTX thu về lợi nhuận hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực
Thống kê đến tháng 2/2020, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 626 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 72.947 thành viên, trong đó có 434 HTX tham gia liên kết sản xuất, 52 HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với xu hướng phát triển của nông nghiệp theo hướng hội nhập.
Doanh thu bình quân của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp ước đạt 1,3 tỷ đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân đạt 160 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt 27,3 triệu đồng/người/năm.
Điều này cho thấy các HTX nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa không chỉ tăng về số lượng mà còn phát triển cả về quy mô ngành nghề hoạt động, chất lượng sản xuất, khả năng tiêu thụ sản phẩm. Thành quả trên có được là nhờ một phần lớn vào sự quan tâm của chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có tới 11 chính sách hỗ trợ phát triển HTX, phần lớn các chính sách này hướng tới đối tượng các HTX nông nghiệp. Nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả, điển hình như: Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Chính sách hỗ trợ thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp; Xây dựng các mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị...
Ngoài ra, tại hầu hết HTX hoạt động hiệu quả, ban lãnh đạo HTX đã quan tâm đến việc mở rộng thành viên, huy động thêm vốn, tiếp tục đầu tư phát triển kinh doanh, làm tốt các khâu dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập, giải quyết được nhiều việc làm cho các thành viên, hộ thành viên và nhân dân trên địa bàn.
Thy Lê