Bước đầu, Bố Trạch đã xây dựng thành công các vùng sản xuất cây dược liệu, cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa, hàng hóa tập trung, đặc biệt là hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến thông qua Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại giá trị cao.
Ấn tượng cây dược liệu
Bố Trạch là địa phương có khí hậu vô cùng khắc nghiệt, thường xuyên hạn hán nên việc phát triển cây trồng khó khăn vì luôn trong tình trạng thiếu nước. Sau quá trình tìm hiểu, các thành viên HTX Cự Nẫm nhận thấy cây cà gai leo và cây thìa canh có thể phát triển trên vùng gò đồi.
Bố Trạch đang thúc đẩy mô hình trồng cây dược liệu theo hướng hữu cơ. |
Chính vì vậy, HTX đã tìm đến các cơ quan chức năng để xin hỗ trợ, tiến hành trồng dược liệu ở những đồi hoang để tăng thu nhập cho thành viên và giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường. Đến nay, hiệu quả kinh tế của mô hình gấp 5 - 8 lần so với cây hoa màu như ngô, sắn…
Chị Nguyễn Thị Giang, Giám đốc HTX, cho biết xác định muốn phát triển nông nghiệp bền vững thì phải sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngay từ khi bắt tay vào canh tác, vườn dược liệu hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
Thay vào đó, các thành viên dùng phân bón hữu cơ và các loại thuốc thảo mộc để phòng ngừa, trị sâu, nấm bệnh cho cây.. “100% diện tích được canh tác theo hướng hữu cơ vi sinh, dùng bã dược liệu sau khi nấu cao ủ với chế phẩm sinh học để bón cho cây”, chị Giang cho biết.
Sau một thời gian tham gia HTX, nhiều hộ dân đã thay đổi suy nghĩ và cách thức sản xuất nông nghiệp. Họ đã hiểu được tác hại của phân, thuốc bảo vệ thực vật hóa hóa học đến môi trường và sức khỏe như thế nào nên tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực.
Từ 1,5 ha ban đầu, đến nay, HTX đã có 8ha trồng dược liệu trong đó cà gai leo 5ha, thìa canh 2ha, chè vằng 1ha. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, các loại dược liệu của HTX luôn phát triển tốt trên vùng đất khô cằn. Nhiều khách hàng còn đến tận vườn tham quan và đặt hàng trực tiếp.
Hiện nay, phần lớn sản phẩm sau thu hoạch được các doanh nghiệp, cơ sở bào chế dược phẩm thu mua để làm thuốc. Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại phục vụ chế biến các sản phẩm từ thảo dược. Mô hình của HTX trở thành một trong những mô hình điểm được huyện Bố Trạch chủ trương nhân rộng.
Sạch để tăng cạnh tranh
Cùng với dược liệu, ngành nông nghiệp huyện Bố Trạch cũng phát triển thành công nhiều loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình trồng nấm VietGAP, thân thiện môi trường, với dấu ấn nổi bật từ HTX nấm sạch Tuấn Linh, xã Sơn Lộc.
Nấm cũng đang là cây trồng mang lại hiệu quả cao cho nông dân huyện Bố Trạch. |
Ông Nguyễn Quốc Hương, Giám đốc HTX Tuấn Linh, chia sẻ: “Nhờ sản xuất an toàn, HTX cung ứng ra thị trường hơn 100 tấn nấm chất lượng cao mỗi năm, mang lại doanh thu 7 – 8 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 20 lao động thường xuyên, mức lương ổn định ở mức 4,5 – 5 triệu đồng/người/tháng”.
Để xây dựng giá trị bền vững, bên cạnh nâng tầm kỹ thuật, HTX đặc biệt chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo vệ sinh môi trường. Đơn cử, trong quá trình sản xuất, HTX loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, phòng trừ dịch hại bằng hợp chất vi sinh…
Cũng có thể kể đến điển hình HTX Xuân Hưng, xã Mỹ Trạch đang có những thành công tích cực với hoạt động chế biến các sản phẩm từ quả sim, một loại quả đặc sản của vùng đất Bố Trạch.
Với hướng đi mới, HTX Xuân Hưng đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho trên 20 lao động ở địa phương có việc làm thường xuyên với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng/người.
Đặc biệt, HTX đã xây dựng được chuỗi sản xuất các loại sản phẩm từ sim, có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn sản phẩm, vệ sinh môi trường, trong đó rượu sim của HTX trở thành một trong 7 sản phẩm OCOP của huyện, đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh năm 2019.
Khu vực kinh tế hợp tác với nòng cốt là các HTX đang có dấu ấn rất đậm nét trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại trên địa bàn huyện Bố Trạch.
Theo lãnh đạo UBND huyện, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ, nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong việc liên kết, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất tại địa phương.
Đồng thời, huyện sẽ tập trung chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền. Điều chỉnh cơ cấu giống cây trồng kết hợp với bố trí thời vụ hợp lý để giảm thiểu những bất lợi của thời tiết. Tiếp tục ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh học vào sản xuất. Đẩy mạnh cơ cấu lại chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường...
Lệ Chi