Cách đây vài năm, xã Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn - tỉnh Ninh Bình) thực hiện chuyển đổi một số diện tích ở những vùng trũng, vùng cấy lúa kém hiệu quả sang cải tạo, nuôi trồng một số cây, con khác để góp phần nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người dân.
Ngăn ngừa ô nhiễm
Đến nay, xã Thượng Kiệm đã hình thành và quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Những vùng sản xuất tập trung này đang phát triển hiệu quả, giúp người dân làm ăn ổn định, nhiều hộ có thu nhập khá. Đặc biệt, các hộ đều đang tập trung phát triển chăn nuôi, trồng trọt các cây, con theo hướng sản xuất an toàn, sạch nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đi đôi với bảo vệ môi trường.
Tiêu biểu như mô hình sản xuất của HTX Thanh niên Thượng Kiệm. Các thành viên HTX đã chuyển đổi diện tích trồng lúa trũng thấp, kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng rau màu theo hướng hàng hóa, chú trọng ứng dụng quy trình kỹ thuật vào sản xuất.
Trong nuôi tôm, toàn bộ đáy ao được sử dụng bạt ni lông che phủ giúp giảm thiểu tối đa sự tác động của những yếu tố ngoại cảnh. Hệ thống ao ươm riêng biệt cũng được HTX quan tâm, nhằm tăng cao tỷ lệ sống của tôm khi bắt đầu tiếp xúc với môi trường sống tự nhiên.
HTX cũng bảo đảm hệ thống ao 4 cấp, gồm ao chứa, ao xử lý, ao sẵn sàng và cuối cùng là ao nuôi nhằm kiểm soát nguồn nước. Việc nuôi thả tôm thẻ nước ngọt sẽ khiến môi trường ao nuôi dần bị phá hủy, bởi lượng thức ăn tồn đọng thúc đẩy sự phát triển của tảo ở đáy ao. Vì vậy sau vài năm thả tôm, HTX chuyển sang thả cá để cải thiện môi trường.
Còn đối với diện tích trồng hoa màu, HTX chú trọng trồng rau an toàn trái vụ hoặc cho thu hoạch sớm để tăng hiệu quả kinh tế, với doanh thu cao hơn 1,5 - 2 lần thu hoạch đúng vụ. Hầu hết các thành viên đều trồng rau màu trong nhà lưới nên ít bị phụ thuộc vào thời tiết, hạn chế việc lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu gây ô nhiễm môi trường.
HTX Thanh niên Thượng Kiệm chú trọng sản xuất rau an toàn |
Hay tại Lâm Đồng, sản xuất sạch đang là xu hướng được nhiều doanh nghiệp, HTX, nông dân quan tâm lựa chọn với mong muốn bảo đảm được đầu ra bền vững cho nông sản. Tiêu biểu như HTX Anh Đào, HTX An Phú, HTX Xuân Hương… Hầu hết các đơn vị này đều thực hiện chăm sóc cây, con theo quy trình VietGAP và sử dụng các chế phẩm sinh học để chăm bón. Cũng vì thế mà diện tích sản xuất rộng lớn không xuất hiện mùi hôi của phân bón hay mùi hắc của thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ thực hành sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng nên các HTX này đều được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ.
Sức lan tỏa
Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đã trở thành gánh nặng về môi trường, nhất là môi trường nước và không khí. Chính vì vậy, thực hiện sản xuất sạch, an toàn đang là một trong những phương án hữu hiệu mang lại những lợi ích về kinh tế cho bản thân doanh nghiệp, HTX, nông dân, đồng thời góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm lượng chất thải, giảm nguyên liệu đầu vào.
Áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn như VietGAP, GlobalGAP, Euro GAP, USDA… cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp, HTX tạo được uy tín và các sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Xoài của HTX đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra thế giới |
Có thể kể đến như sản phẩm xoài của HTX Suối Lớn (Đồng Nai) nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn sạch nên đã được các doanh nghiệp thu mua, chế biến sau đó xuất khẩu đi nhiều thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc hay xuất khẩu tươi sang Úc. Chính điều này đã trở thành động lực giúp người nông dân yên tâm và tin tưởng đi theo quy trình sản xuất sạch.
Hiện nay, không chỉ đơn thuần ở một tỉnh nào mà hầu hết tại các tỉnh trên cả nước đều chú trọng đến sản xuất sạch bằng những mô hình sản xuất liên kết thông qua HTX, tổ hợp tác. Các mô hình kinh tế tập thể có tính chất pháp lý đã, đang và sẽ khuyến khích người dân sản xuất tiết kiệm, đầu tư khoa học kỹ thuật, cũng như đầu tư cho các vấn đề bảo vệ trường… để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Huyền Trang