Những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Yên Thủy đã đạt được những kết quả ấn tượng trong quá trình tái cơ cấu, xây dựng chuỗi giá trị, hình thành các HTX, tổ hợp tác điển hình. Trong đó, mô hình sản xuất dược liệu, với cây cà gai leo là cây chủ lực được đánh giá có tiềm năng nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sản xuất an toàn
Mô hình trồng cà gai leo bắt đầu được triển khai trên địa bàn huyện Yên Thủy từ năm 2015, theo dự án sinh kế của Chương trình Giảm nghèo, thí điểm tại 2 xã Bảo Hiệu và Đa Phúc.
Trồng cà gai leo cho hiệu quả cao ở Yên Thủy (Ảnh TL). |
Để nâng cao hiệu quả của cây cà gai leo, ngành chức năng huyện đã chủ động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới cho các hộ sản xuất. Theo đó, các hộ được tập huấn, nắm vững quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường.
Năm 2016, sau những thành công ban đầu, huyện đã hỗ trợ thành lập HTX nông lâm nghiệp Bảo Hiệu (xã Bảo Hiệu), để phát triển mô hình trồng cà gai leo theo hướng liên kết, mở rộng quy mô, kết nối thị trường tiêu thụ.
Anh Bùi Quý Hợi - Giám đốc HTX Bảo Hiệu cho hay, để mang lại hiệu quả bền vững, HTX đã trực tiếp hỗ trợ thành viên, hộ liên kết trong tổ chức sản xuất, xây dựng vùng sản xuất cà gai leo theo tiêu chuẩn VietGAP, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật.
Cụ thể, trong quá trình sản xuất, thành viên HTX liên tục được cập nhật các phương thức sản xuất mới, tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật, kiến thức về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Đơn cử, trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, người sản xuất phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” gồm đúng loại, đúng liều, đúng cách, đúng thời gian.
Việc trừ cỏ dại phải dùng máy cắt hoặc sử dụng cuốc, liềm để cắt. Tuyệt đối không dùng hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng chất lượng dược liệu.
Mở rộng thị trường
Sau hơn 5 năm phát triển sản xuất cao cà gai leo theo mô hình khép kín (thành viên trồng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX bao tiêu đầu ra), HTX Bảo Hiệu đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của các hộ dân trên địa bàn huyện từ manh mún, nhỏ lẻ, sang sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị.
Huyện sẽ tiếp tục hoàn thiện sản xuất, nâng cao thương hiệu cho sản phẩm cà gai leo (Ảnh TL). |
HTX Bảo Hiệu hiện có 12 hộ thành viên, thu hút 20 lao động, liên kết với 2 tổ hợp tác và 200 hộ tham gia. Thu nhập bình quân của mỗi thành viên HTX đạt gần 10 triệu đồng/tháng, thu nhập của thành viên tổ hợp tác và các hộ tham gia liên kết đạt 4 - 6 triệu đồng/tháng.
Với những đóng góp của các HTX, tổ hợp tác, thương hiệu cà gai leo Yên Thủy ngày càng được nâng lên, thị trường tiêu thụ được mở rộng.
Đến nay, sản phẩm cao và trà túi lọc cà gai leo Yên Thủy sản xuất đã đạt tiêu chuẩn GAP, được thị trường đón nhận với những phản hồi tích cực. Sản phẩm cao cà gai leo Yên Thủy cũng được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019.
Ở trong nước, sản phẩm cà gai leo Yên Thủy được phân phối trên phạm vi toàn quốc, với hệ thống hơn 200 đại lý, điểm kinh doanh, được người tiêu dùng đánh giá rất cao, ưa chuộng. Sản phẩm chế biến cũng đã xuất khẩu thành công sang các nước Nga, Thái Lan, Trung Quốc…
Trong thời gian tới, huyện Yên Thủy dự kiến tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt của HTX Bảo Hiệu, thành lập thêm các HTX, tổ hợp tác mới để mở rộng quy mô sản xuất, hình thành chuỗi giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người trồng cà gai leo và các loại cây dược liệu khác.
Hưng Nguyên