Hạ Hòa là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Trong những năm qua, huyện luôn tập trung nguồn lực hỗ trợ, phát huy tối đa lợi thế từng vùng để đẩy mạnh trồng trọt theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất trên đơn vị diện tích, mang lại hiệu quả cao.
Phát huy lợi thế
Nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc của tỉnh, Hạ Hòa có nhiều ưu đãi do thiên nhiên ban tặng với khí hậu ôn hòa, tài nguyên đất, nước dồi dào, có đôi bờ sông Thao bồi đắp phù sa hình thành những cánh đồng đất bãi phì nhiêu…
Những thuận lợi về địa lý và tự nhiên là những điều kiện tiên quyết để Hạ Hòa tập trung phát triển sản xuất một cách toàn diện, mang lại những giá trị bền vững cả về kinh tế và môi trường sinh thái.
Lĩnh vực trồng trọt của huyện Hạ Hòa đang có những chuyển biến tích cực (Ảnh TL). |
Đến nay, lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn huyện phát triển tương đối ổn định, với diện tích gieo trồng bình quân khoảng 12.000 ha/năm. Trong đó, diện tích cây lúa bình quân 7.400ha/năm, năng suất đạt 5,5 – 7 tấn/ha. Diện tích ngô bình quân trên 1.100ha/năm, năng suất 4,5 – 5 tấn/ha…
Năng suất, sản lượng các cây màu khác như đậu tương, lạc, rau, khoai lang đều đạt và tăng so với kế hoạch, qua đó tăng giá trị sản xuất trên 1 ha lên trên 100 triệu đồng/năm.
Bên cạnh cây trồng hàng năm, các loại cây công nghiệp, cây ăn quả cũng được huyện phát triển mạnh trong những năm qua. Đặc biệt, cây chè trở thành một trong những cây trồng thế mạnh trên địa bàn huyện với tổng diện tích trên 1.900 ha.
Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, người dân trên địa bàn huyện đã chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, thay thế diện tích chè đã già cỗi bằng những giống chè cho năng suất cao như LDP1, LDP2…
Sở hữu gần 1 ha chè LDP1, chi Lê Thị Mỹ - thành viên Tổ hợp tác chè hữu cơ xã Yên Kỳ, cho biết để tạo ra sản phẩm sạch, việc sử dụng phân bón, các loại phân vô cơ (đạm, lân, kali…) được tính toán kỹ lưỡng.
“Khi cây chè trưởng thành, các loại phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai (được xử lý kỹ lưỡng bằng hợp chất vi sinh an toàn) sẽ được ưu tiên, qua đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo chè chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu...”, chị Mỹ cho hay.
Xây dựng chuỗi giá trị
Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường, năng suất, chất lượng sản phẩm chè búp tươi và chè sau chế biến của Tổ hợp tác chè xã Yên Kỳ nói riêng và trên toàn địa bàn huyện nói chung đều tăng mạnh, thị trường ổn định, giá trị kinh tế bình quân đạt 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.
Huyện sẽ chú trọng xây dựng chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả cho người dân (Ảnh TL). |
Không chỉ chú trọng nâng cao hiệu quả kinh tế, huyện Hạ Hòa đang tích cực hình thành các chuỗi giá trị sản xuất để đảm bảo thành công bền vững.
Đơn cử, vào năm 2018, huyện đã phát triển vùng rau an toàn sinh thái trên địa bàn xã Mai Tùng với tổng diện tích hơn 1,4 ha, thu hút 40 hộ tham gia. Mô hình áp dụng quy trình VietGAP, nói không với hóa chất độc hại, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng hoai mục, thuốc trừ sâu sinh học…
Đáng chú ý, để hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, bên cạnh hoàn thiện quy trình sản xuất, huyện còn hỗ trợ mở chuỗi cửa hàng bán và giới thiệu nông sản sạch của địa phương.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Hạ Hòa, thông qua các chương trình hỗ trợ sản xuất, người dân trên địa bàn đã dần thay đổi hình thức sản xuất và hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường, nhằm tạo sự bứt phá, từng bước đưa lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển nhanh và mạnh.
Nhật Minh