Nằm gần tuyến Quốc lộ 1B, thị trấn Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ) là một trong những vùng trồng chè lớn nhất tỉnh Thái Nguyên. Kể từ năm 2017 đến nay, với những chính sách trợ lực từ các cấp quản lý cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hiệu quả của cây chè Sông Cầu ngày càng được nâng cao.
Giá trị liên tục tăng
Nằm trên vùng chè đặc sản, HTX chè Thịnh An được thành lập với sứ mệnh liên kết sản xuất, dẫn dắt thành viên, hộ liên kết, phát triển mô hình trồng chè theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường, xây dựng chuỗi giá trị chè từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, đưa sản phẩm chè Sông Cầu vươn xa trên thị trường.
Được sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ và Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên, HTX đã sử dụng dòng chế phẩm bảo vệ thực vật Anisaf SH và chế phẩm vi sinh xử lý phế thải đồng ruộng vixura trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ, giúp vùng chè phát triển ổn định.
Bà Vũ Thị Thanh Hảo - Giám đốc HTX, chia sẻ: “Phương pháp sản xuất hữu cơ giúp năng suất trung bình chè búp tươi đạt 11,2 tấn/ha, tăng 2,6 tấn so với trước đây, giá trị bình quân đạt 249 triệu đồng/ha, cao hơn trước khi thực hiện mô hình 106 triệu đồng. Nếu chế biến, giá trị bình quân có thể đạt 336 triệu đồng/ha”.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản xuất hữu cơ còn giúp thành viên HTX Thịnh An giảm thiểu lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, góp phần bảo vệ môi trường đất, nước, không khí trên các vùng sản xuất, qua đó, kiến tạo môi trường canh tác nông nghiệp an toàn, bền vững.
Bên cạnh hoạt động của HTX, tổ hợp tác, các mô hình kinh tế hộ trên địa bàn Sông Cầu cũng đang có sự chuyển biến tích cực. Sở hữu gần 1 ha trồng chè, anh Nguyễn Thanh Bình đang là một trong những hộ sản xuất chè an toàn quy mô lớn nhất ở xóm 9, mang lại thu nhập cao và ổn định.
“Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp năng suất cây chè cao hơn 30 - 40%, chất lượng được cải thiện rõ rệt. Nếu như trước đây, bình quân mỗi năm tôi chỉ thu hái 5 - 6 vụ, thì nay tăng lên 8 vụ. Lợi nhuận cũng duy trì ổn định, bảo đảm ở mức trên 200 triệu đồng/năm”, anh Bình cho hay.
![]() |
Chè Sông Cầu đang được nâng tầm nhờ sản xuất sạch |
Bước ngoặt từ sản xuất sạch
Bà Vũ Thương Huyền - Phó Chủ tịch thị trấn Sông Cầu, cho biết hiện trên địa bàn đã có 4 xóm được công nhận là làng chè truyền thống gồm xóm 5, xóm 9, xóm Tân Tiến, xóm Liên Cơ. Bên cạnh HTX chè Thịnh An xây dựng thành công chuỗi liên kết, các hộ trồng chè có thu nhập bình quân 150 - 300 triệu đồng/năm ngày càng tăng.
Để có được những thành công trên, bước ngoặt đến từ năm 2017 khi “Mô hình hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trên địa bàn thị trấn Sông Cầu được triển khai. Mô hình được thực hiện trên diện tích 50 ha, với 150 hộ tham gia.
Thực hiện mô hình, các hộ được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; lực lượng cán bộ kỹ thuật kiên trì thuyết phục, hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” cho nông dân thực hiện đúng quy trình từ chăm sóc, thu hái, chế biến, đến ghi chép sổ nhật ký, xây dựng mã vạch để truy xuất nguồn gốc…
Ông Nguyễn Đức Trọng - Trưởng làng nghề truyền thống xóm 9, cho biết: “Sau hai năm thực hiện mô hình, các hộ đã thay đổi tư duy, nhận thức về sản xuất chè an toàn, nắm vững và thực hiện thuần thục các quy trình VietGAP, các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ hoạt động có hiệu quả, mẫu mã đóng gói được cải thiện, qua đó nâng cao năng suất và giá trị chè Sông Cầu”.
Đáng chú ý, việc áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ đang giúp Sông Cầu phát triển các vùng sản xuất chè tập trung trên quy mô lớn, cảnh quan đẹp tự nhiên, môi trường trong lành, mở ra tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm vùng chè. Mô hình trồng chè kết hợp với du lịch trải nghiệm sẽ là hướng đi bền vững được thị trấn Sông Cầu chú trọng trong thời gian tới.
Nhật Minh