Hiện nay, việc thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp nói chung và việc hạn chế, từ bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại sang sử dụng chế phẩm sinh học hay áp dụng các biện pháp thủ công, hữu cơ… tuy không phải là mới, nhưng đã thể hiện được sự chuyển hướng tích cực của một bộ phận người làm nông nghiệp.
Sử dụng chế phẩm sinh học
Tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Trác Văn (Duy Tiên, Hà Nam), không khó để hỏi các thành viên về bí quyết diệt trừ sâu bệnh gây hại cây trồng. Ở đây, các thành viên và không ít người dân đều có thể tự làm và sử dụng thuốc thảo mộc để phục vụ sản xuất rau màu.
Từ các loại củ quả như tỏi, ớt, gừng, vỏ hoa quả, các thành viên xay nhuyễn ngâm với rượu trắng. Sau thời gian nhất định, HTX thu được dung dịch thảo mộc là “khắc tinh” của nhiều loại sâu bệnh.
Theo ông Nguyễn Văn Phóng - Giám đốc HTX Trác Văn, thuốc thảo mộc trừ sâu hại không quá khó làm. Người dân chỉ cần tuân thủ theo nguyên tắc và tỷ lệ nhất định. Sau khi đã ngâm hỗn hợp trong 7 - 15 ngày thì lắng lọc cặn để sử dụng. Số bã còn lại tiếp tục cho rượu vào ngâm để sử dụng cho các lần tiếp theo.
Tùy theo mật độ sâu, các thành viên HTX có thể pha thuốc theo tỷ lệ phù hợp. Thông thường, 300 ml dung dịch ngâm lần đầu, HTX pha với 15 - 18 lít nước và có thể đủ phun cho 1 sào rau màu. Kết quả cho thấy, thuốc trừ sâu thảo mộc do HTX tự chế hiệu quả ngang với các loại các thuốc BVTV trên thị trường.
Ngoài sử dụng thuốc thảo mộc, trên 4 ha rau màu đều được thành viên trồng xen kẽ các loại cây (hoa cúc, hướng dương…) để dẫn dụ côn trùng đẻ trứng. Về phân bón, HTX sử dụng phân bò, lợn, gà ủ cùng gốc rau thải cho hoai mục rồi đem bón. Đây là nguồn cung cấp dưỡng chất giúp rau phát triển tốt, lại giúp đất tơi xốp và bảo vệ môi trường.
Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng các nguyên liệu thủ công, tự chế, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, mô hình rau hữu cơ của HTX đã được cấp chứng nhận PGS. Đây là chứng nhận về quy trình sản xuất rau hữu cơ ở Việt Nam, được Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ IFOAM cấp phép.
![]() |
Vùng trồng cam hữu cơ ở Hàm Yên |
Nói không với hóa chất
Hiện, rau của HTX được tiêu thụ tại các cửa hàng nông sản sạch ở Hà Nội, Hà Nam, Nam Định…
Tại HTX Nông nghiệp Cam sành organics huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), ngoài việc sử dụng 100% thuốc trừ sâu, phân bón hữu cơ organics. Toàn bộ 55 ha cam sành được HTX trồng hàng rào sinh thái để ngăn sâu bệnh của các vườn cam xung quanh tràn sang.
Nhờ vậy, chất lượng cam của HTX đã đạt chứng nhận Asian Organics và bán với giá cao hơn so với các loại cam khác.
Hiện nay, 90% cam sành của HTX được xuất khẩu sang các nước châu Á. HTX đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, mở rộng diện tích để phấn đấu đến năm 2022 đạt tiêu chuẩn EU Organics.
“Sử dụng phân hữu cơ và thuốc trừ sâu hữu cơ hoàn toàn sạch, không gây ô nhiễm môi trường và gây hại cho người sử dụng như thuốc có hóa chất BVTV độc hại trên thị trường”, ông Ngô Ngọc Mười - Chủ tịch HĐQT HTX, cho biết.
Ngược lên vùng đất Tuyên Quang, HTX Phát triển cam hữu cơ vi sinh Hàm Yên đang sản xuất cam hoàn toàn theo quy trình hữu cơ. Phân bón được HTX ngâm, ủ từ hỗn hợp các loại củ quả tự nhiên như đỗ tương, quả chuối kết hợp với ủ cá để tăng cường chất dinh dưỡng cho cây.
Cỏ được làm sạch bằng phương pháp thủ công. Cam đến kỳ thu hoạch và bảo quản đều bảo đảm tự nhiên, hoàn toàn không dư lượng thuốc BVTV.
Việc các HTX, THT và người dân chuyển hướng sang sử dụng các loại thuốc thảo mộc, phân hữu cơ… vừa có tác dụng tiêu diệt sâu hại cây trồng vừa khắc phục những mặt trái của thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học.
Đây cũng chính là cơ sở nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người tiêu dùng, góp phần làm tăng chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.
Huyền Trang