Cam, chanh Thượng Lộc là những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có giá trị của huyện Can Lộc nên được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Mặc dù vậy, những năm trước đây, trồng cam, chanh theo quy cách an toàn bảo vệ môi trường chưa được người dân quan tâm.
HTX đi đầu
Để có quả cam, chanh xuất ra thị trường, một lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu được người trồng sử dụng và không phải ai cũng dùng đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi khi HTX Sản xuất kinh doanh Dịch vụ cây ăn quả Thanh Hiền ra đời thực hiện sản xuất theo hướng an toàn VietGAP và dần phát triển theo hướng hữu cơ.
Bà Phan Thị Hiền, Giám đốc HTX, chia sẻ HTX thành lập năm 2015, thành viên chủ yếu là những hộ dân có diện tích cây ăn quả trên địa bàn. Nhưng nhờ thay đổi phương pháp sản xuất, diện tích cây ăn quả đem lại hiệu quả, năng suất cao hơn trong khi lại bảo đảm môi trường.
HTX Thanh Hiền chú trọng sản xuất sạch đi đôi với bảo vệ môi trường (Ảnh: Internet) |
Với việc tuân thủ theo quy trình sản xuất an toàn, các thành viên kiểm soát được lượng phân bón, nước tưới, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như tình hình sâu bệnh mà vẫn đảm bảo chất lượng, màu sắc của sản phẩm, trọng lượng đồng đều.
Canh tác theo hướng an toàn giúp giảm thiểu hẳn việc dùng phân bón, thuốc trừ sâu, thậm chí nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, HTX không sử dụng một hóa chất bảo vệ thực vật nào. Hiệu quả thực hiện mô hình sản xuất cây ăn quả tại HTX đã tạo ra sự khác biệt với cách làm cũ, không chỉ giúp các thành viên mà nhiều nông dân trong xã có sự thay đổi rõ nét về nhận thức và kỹ thuật sản xuất cam, chanh.
Điểm nổi bật ở đây là người trồng được trang bị kiến thức về quy trình kỹ thuật trồng cam, chanh an toàn như: tự chế chế phẩm sinh học, chú trọng quan sát, thăm vườn để theo dõi cây, chủ động phun chế phẩm sinh học phòng bệnh, tưới nước tự động… Nếu ai không tuân thủ đều bị nhắc nhở hoặc không được HTX thu mua sản phẩm.
Nhờ đó, ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên phục vụ nông nghiệp được nâng lên. Giá bán nông sản cũng nâng cao. Chỉ tính riêng quả cam, giá bán ra thị trường tăng từ 55 ngàn đồng/kg lên 70 -120 ngàn đồng/kg.
Cam, chanh được người tiêu dùng đón nhận, tiêu thụ mạnh cho thấy phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường của HTX Thanh Hiền là xu hướng tất yếu.
Hướng đi tất yếu
Không chỉ HTX Thanh Hiền, sản xuất nông nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường đang thu hút nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tham gia. Đơn cử như mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của HTX Nga Hải, mô hình trồng cây ăn quả của HTX Trà Sơn, mô hình trồng cam công nghệ cao của HTX Tân Phương Đông, mô hình trồng thanh long công nghệ cao của HTX Nông nghiệp Gia Phúc…
HTX Nông nghiệp Gia Phúc giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường từ trồng thanh long công nghệ cao (Ảnh minh họa: Internet) |
Các HTX cùng các ngành, địa phương mở nhiều lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ... cho thành viên, người dân, từ đó mở ra hướng phát triển cho ngành nông nghiệp vì góp phần xóa bỏ tư duy sản xuất mạnh mún, nhỏ lẻ, lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, không chú trọng liên kết mở rộng thị trường của người dân.
Để bảo vệ môi trường trong sản xuất, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng đúng quy trình, các HTX còn ứng dụng rộng rãi công nghệ IPM (công nghệ phòng trừ dịch hại tổng hợp) trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, đồng thời thu hút người dân, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị.
Sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm đi đôi với bảo vệ môi trường đang được Hà Tĩnh xác định là vấn đề "sống còn" để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Chính vì vậy, tỉnh đã tạo điều kiện để xây dựng và các HTX, tổ hợp tác nhằm hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh.
Theo Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, toàn tỉnh có 800 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm gần 60% tổng số HTX. Ngoài ra, còn có 3.180 tổ hợp tác cũng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là mô hình sản xuất được đánh giá cao vì phù hợp với nhu cầu liên kết của người dân, đồng thời thu hút được doanh nghiệp cùng tham gia.
Ông Trần Tiến Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết phát triển các HTX, tổ hợp tác cũng chính là định hướng kịp thời theo xu hướng phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang nhanh chóng cụ thể hóa quy hoạch để đưa sản xuất nông nghiệp đi đúng với xu hướng chung.
Huyền Trang