Chế biến bột mì tinh vốn cho giá trị kinh tế cao nhưng đi kèm với đó là phải giải quyết được bài toán vệ sinh môi trường thì mới phát triển bền vững và khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
"Nâng chất" nhờ máy móc
Trước đây, các hộ trồng và chế biến bột mì tinh tại địa phương chỉ mang tính thủ công nên năng suất và chất lượng bột chưa cao, các hộ phải tự tìm thị trường nên rất khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Để hướng tới sản xuất hàng hóa, HTX đầu tư hệ thống máy móc hiện đại hỗ trợ sản xuất. Hiện tại, tất cả các công đoạn sản xuất như: rửa, nghiền, lọc, phơi, sấy… đều được làm hoàn toàn bằng máy.
Đi cùng với đó là việc đầu tư hệ thống hầm biogas để xử lý chất thải. Toàn bộ quy trình sản xuất được thực hiện liên tục, khép kín và cách ly với môi trường bên ngoài. Sản phẩm không chỉ đạt tỷ lệ tinh bột thu hồi cao nhất mà còn phòng chống được tạp chất và vi khuẩn xâm nhập, hạn chế ô nhiễm môi trường.
![]() |
Bột mì tinh có chất lượng vượt trội nhờ sự hỗ trợ của máy móc. |
Theo Ban giám đốc HTX, cứ sản xuất được 1 tấn tinh bột thành phẩm thì môi trường sẽ nhận khoảng từ 12-15m3 nước thải với nồng độ các chất hữu cơ rất cao. Loại nước thải này có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu không được xử lý đúng mức trước khi xả thải. Vì vậy, trong quá trình sản xuất cần có hệ thống xử lý nước thải để bảo đảm không ô nhiễm môi trường.
Thực tế cho thấy, đầu tư hệ thống máy móc giúp chất lượng bột mì tinh cao hơn, màu bột trắng hơn, ít hao phí nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, HTX tiết kiệm được lao động, thời gian lưu kho và bảo quản lâu hơn, giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn.
Những năm gần đây, bột mì tinh được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi công dụng mang lại cho sức khỏe. Chính vì vậy, hầu như sản phẩm của HTX sản xuất đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó.
Liên kết sản xuất nguyên liệu
Những năm đầu mới bắt tay vào sản xuất bột mì tinh, HTX gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu, đa số người dân chỉ trồng đan xen số lượng ít cây mì tinh trong vườn nhà chứ chưa trồng tập trung. Sau khi mở rộng quy mô cơ sở sản xuất, HTX liên kết với người dân trong xã trồng cây mì tinh hàng hóa để chế biến tinh bột.
Mì tinh vốn là loại cây dễ trồng, ít công chăm sóc, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp do tự nhân giống cho các vụ liền kề, lại hợp với mọi loại đất và có khả năng chịu hạn tốt. Tuy nhiên, để bảo đảm quy mô lớn, HTX đã thực hiện điều tra, thống kê sơ bộ diện tích cây mì tinh được trồng trên địa bàn địa phương. Đồng thời, tiến hành tổ chức lại sản xuất từ chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm, đảm bảo nâng cao năng suất củ, chất lượng sản phẩm.
HTX yêu cầu các thành viên và người dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình trồng, chăm sóc, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ cỏ hay bất kỳ hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc kích thích nào khác. Ngoài ra, ban giám đốc cũng đưa một số mẫu nước, mẫu thành phẩm tinh bột đi kiểm định, phân tích, đánh giá về chất lượng. Kết quả, HTX đã được trao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
![]() |
Trồng mì tinh cung cấp cho HTX giúp người dân nâng cao thu nhập. |
Đến năm 2020, HTX Hiền Thuấn đã liên kết với người dân trong xã trồng 15ha cây mì tinh để phục vụ sản xuất và chế biến tinh bột. Ngoài ra, HTX còn thu mua củ mì tinh tươi của người dân các xã trên địa bàn huyện như Thanh Thủy, Cam Thủy… và một số địa phương ở tỉnh Quảng Trị.
Trung bình mỗi năm, HTX thu mua 30-40 tấn củ mì tinh, cung cấp ra thị trường gần 5 tấn bột thành phẩm, thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động trên địa bàn với mức lương 4-5 triệu đồng/lao động/tháng.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như quảng bá sản phẩm tinh bột mì tinh đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, HTX tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Sau thời gian hoàn thiện bao bì nhãn mác, sản phẩm tinh bột mì tinh đã được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vào đầu năm 2021.
Từ khi tham gia chương trình OCOP, HTX có điều kiện kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm và học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Ngoài ra, HTX còn bán sản phẩm rộng rãi trên sàn thương mại điện tử và các trang bán hàng trực tuyến.
Định hướng trong thời gian tới, HTX kết hợp cùng Phòng NN&PTNT đưa sản phẩm vào gian hàng bày bán các sản phẩm OCOP cấp huyện nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng.
Tùng Lâm