Trước tình trạng đầu ra sản xuất sữa bò của người dân khó khăn, HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Bò sữa Đông Thạnh (Hóc Môn, TP.HCM) đã đầu tư khu vực chế biến với dây chuyền máy móc hiện đại sản xuất sữa. Hiện, HTX thu mua sữa cho 78 hộ dân với sản lượng 6 tấn/ngày, giá cao hơn thị trường 10-15%.
Sữa được vận chuyển, bảo quản theo quy trình đạt chuẩn, sau đó đưa vào chế biến thành sữa tươi, váng sữa, sữa chua cung cấp cho các trường học và đơn vị có nhu cầu ở trong và ngoài TP.HCM. Hiện, ngoài phát triển nghề chăn nuôi bò sữa tại địa phương, HTX còn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động thường xuyên.
Nhu cầu lớn, nguồn lực nhỏ
Hay như HTX chăn nuôi và thủy sản Gò Công (Tiền Giang) năm 2019 đã được địa phương hỗ trợ hơn 900 triệu đồng xây dựng trụ sở làm việc để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đến nay, HTX vừa có nơi tập huấn cho thành viên, vừa là khu vực điều hành sản xuất và kết nối với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Qua mô hình sản xuất của HTX Đông Thạnh và HTX Gò Công cho thấy, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đã và đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho người dân và thành viên HTX.
Tuy nhiên, dù đã có HTX và địa phương chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, song đó mới chỉ là số nhỏ. Hiện nay, trong quá trình hoạt động, cơ sở hạ tầng của không ít HTX vẫn còn đầu tư hạn chế, khó đáp ứng yêu cầu của phương thức sản xuất mới.
![]() |
Xây dựng trụ sở làm việc khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho HTX Gò Công liên kết hợp tác. |
Điển hình như HTX Nông nghiệp dịch vụ Thành Đông (Bình Tân, Vĩnh Long) chuyên trồng, mua bán khoai lang, vật tư nông nghiệp, cung cấp dây giống cho thành viên và người dân. Đi vào hoạt động đến nay đã 10 năm, nhưng HTX vẫn phải mượn đất của thành viên làm nơi làm việc, họp, giao dịch với đối tác và vẫn chưa có nhà kho để sơ chế, đóng gói đạt tiêu chuẩn.
“Hiện, HTX mới chỉ có lán lợp tạm bằng mái tôn làm nơi tập kết khoai và cũng là nơi giao dịch hàng hóa, nên vừa không bảo đảm chất lượng sản phẩm, vừa gặp khó trong quá trình ký kết hợp đồng với khách hàng”, ông Ngô Văn Tua - Chủ tịch HĐQT HTX cho biết.
Theo Liên minh HTX Việt Nam, trong giai đoạn 2015-2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hỗ trợ cho 1.881 lượt HTX về phát triển kết cấu hạ tầng với tổng kinh phí 1.920 tỷ đồng. Kinh phí này chủ yếu lồng ghép ở các chương trình hỗ trợ mục tiêu quốc gia, trong đó có đối tượng thụ hưởng là HTX.
Thế nhưng, việc hỗ trợ về cơ sở hạ tầng mới chỉ tập trung ở những HTX có quy mô nhỏ hoặc những mô hình HTX quy mô cấp xã nên chưa có tính lan tỏa cao. Chính vì vậy, đến nay, số lượng HTX tiếp cận chính sách hỗ trợ hạ tầng chỉ chiếm 1,46%.
PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cũng cho biết, để hỗ trợ HTX đầu tư hạ tầng, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT về việc hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 220 HTX được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước. “Đây là con số nhỏ bé so với tổng số 26.040 HTX hiện nay”, ông Đào Thế Anh nói.
Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ chính là một trong những nguyên nhân khiến các HTX khó liên kết với doanh nghiệp, đồng thời 70% nông sản xuất khẩu vẫn chủ yếu ở dạng thô và tỷ lệ hao hụt nông sản trên 20%, do vậy chưa gia tăng được giá trị sản phẩm, hàng hóa.
Tăng động lực trong chuỗi liên kết
Theo các chuyên gia, sở dĩ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất của các HTX hiện nay còn hạn chế là bởi điều kiện hạ tầng của nhiều địa phương có xuất phát điểm thấp, diện tích sản xuất nông nghiệp nhỏ hẹp, manh mún, địa hình dốc, trong khi muốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Bên cạnh đó, nhiều HTX lại có quy mô vốn nhỏ dưới 100 triệu đồng, sức cạnh tranh yếu, năng lực tài chính hạn chế nên việc huy động vốn nội bộ và nguồn vốn từ bên ngoài khó khăn do thiếu tài sản thế chấp…
Hiện, nguồn vốn sử dụng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho HTX chủ yếu từ lồng ghép các chương trình như nông thôn mới, chương trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai hoặc từ nguồn ngân sách địa phương hay dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững… Những nguồn vốn này thường bị giới hạn dẫn đến việc các công trình hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng cũng như tu bổ, nâng cấp đồng bộ, từ đó hiệu quả sản xuất chưa cao.
Đáng chú ý, có HTX nhận được sự hỗ trợ về kết cấu hạ tầng từ các dự án nhưng sau khi kết thúc, thành viên, nông dân chưa đủ trình độ, năng lực tài chính để tiếp cận, làm chủ và phát triển tiếp một cách bền vững. Mặt khác, cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông, công trình thủy lợi… ở nhiều địa phương xuống cấp, khiến cho các doanh nghiệp từ chối hợp tác, liên doanh liên kết với HTX, từ đó làm mất đi nguồn vốn tiềm năng đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho HTX.
![]() |
Đầu tư xây dựng kho sấy phù hợp với mô hình sản xuất lúa hàng hóa ở Sóc Trăng. |
Trước bối cảnh cơ sở hạ tầng của các HTX còn hạn chế, các chuyên gia khuyến nghị cần sớm phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản tại các địa phương do HTX và doanh nghiệp làm chủ. Đặc biệt là ở các vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành động lực tăng trưởng cho cả khu vực. Hơn thế, nên lựa chọn các HTX tiêu biểu, có đủ năng lực về vốn, công nghệ, quy mô để dẫn dắt chuỗi giá trị chế biến nông sản, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả. Bởi khi mối liên kết chuỗi được hình thành thì đồng nghĩa với việc hạ tầng được đầu tư đồng bộ.
PGS.TS Đào Thế Anh cho rằng, để HTX có thể hưởng lợi từ các nguồn vốn thì phải gắn mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, HTX với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp phải gắn phát triển HTX với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới để việc đầu tư hạ tầng phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của chính HTX và người dân.
Bên cạnh đó, HTX cần xây dựng phương án sản xuất kinh doanh gắn với tiềm năng, thế mạnh địa phương để việc đầu tư hạ tầng mang tính khả thi cao, đồng thời có thể bảo đảm nhu cầu huy động vốn từ bên ngoài.
Huyền Trang