Trồng rừng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Những năm gần đây, rừng còn góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Trong đó, Hương Phong là một xã có truyền thống phát triển lâm nghiệp với diện tích hàng trăm ha. Chính vì vậy, khi thành lập, HTX đã thu hút 18 thành viên và một số hộ dân tham gia.
Rừng xanh, đất màu mỡ
Thực hiện trồng rừng gỗ lớn, HTX Hương Phong đã đầu tư vườn ươm giống chất lượng cao, hỗ trợ người dân khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc để phục vụ sản xuất theo chuỗi giá trị.
Các thành viên HTX và những hộ dân ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm được mua giống chất lượng từ vườn ươm với giá thấp hơn giá thị trường. HTX còn có chính sách hỗ trợ 20% giá trị rừng để các hộ dân giữ và kéo dài thời gian trồng rừng nhằm đảm bảo chất lượng gỗ khi khai thác.
Trồng rừng bền vững, người dân không được phá rừng, không đốt rừng khi trồng mới… Việc bón phân, tỉa cành, cách thu hoạch, vận chuyển cũng phải tuân thủ theo các bước nhất định nhằm bảo đảm giá trị sản phẩm khi đến nhà máy. HTX tạo điều kiện cho thành viên, người dân tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về việc trồng rừng, nhờ đó các hộ từng bước nhận thấy những lợi ích lâu dài mà mô hình này mang lại.
![]() |
Để đạt tiêu chuẩn thu hoạch, người dân phải áp dụng quy trình sản xuất gỗ khoa học. |
Yêu cầu của quy trình trồng rừng gỗ lớn là người trồng phải bảo đảm thời gian để cây đạt tiêu chuẩn thu hoạch từ 7 năm. Theo tính toán, 1 ha rừng keo gỗ lớn cho thu hoạch khoảng 180 tấn, nếu sản lượng cao có thể đạt 250 tấn. Sau khi trừ chi phí, mỗi ha rừng cho thu lãi khoảng 170-200 triệu đồng/7 năm. So với trồng rừng bình thường thì thời gian trồng rừng gỗ lớn có kéo dài hơn nhưng giá trị kinh tế lớn hơn nhờ sản phẩm bán giá cao và ít tốn chi phí chăm sóc, thu hoạch.
Bên cạnh giá trị kinh tế, rừng bền vững còn giúp cải thiện điều kiện đất đai do quá trình ươm giống HTX không sử dụng túi bầu bằng túi polyetylen (PE) thải ra môi trường xung quanh, mà thay vào đó sử dụng túi bầu bằng chất hữu cơ giàu chất dinh dưỡng với nhiều nốt sần cố định đạm, có khả năng cải tạo đất, chống xói mòn.
Nâng cao giá trị, mở rộng đầu ra
Theo ban giám đốc HTX, Hương Phong là địa phương từng nhiều năm rơi vào cảnh rừng keo, tràm của người dân đã đến kỳ thu hoạch hầu hết bán cho thương lái nên thường xảy ra tình trạng bị ép giá, người trồng rừng thường ở thế bị động.
Chính vì vậy, ngoài trồng rừng, HTX đứng ra liên kết thu mua gỗ keo, tràm, và chế biến ngay tại chỗ. Cách làm này vừa giảm được tiền vận chuyển cho người dân, vừa giúp HTX đa dạng hóa sản phẩm, thích ứng với thị trường.
Gỗ được chế biến thành ván các loại A, B, C. Vỏ keo, tràm được xay, ép thành than nén làm chất đốt. Theo đó, hầu hết các nguyên liệu đều được tận dụng phục vụ sản xuất, chỉ bỏ lá nên nâng cao nguồn thu và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Hiện, HTX xuất bán các loại sản phẩm chế biến được cho khách hàng ở thị trường Hà Nội. Ván loại A bán với giá khoảng 1,8-3 triệu đồng/m3; ván loại B giá 1,3-1,5 triệu đồng/m3. Than nén được bán cho các đơn vị có nhu cầu ngay trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Đầu tư chế biến gỗ ngay tại chỗ giúp nâng cao giá trị lâm sản. |
HTX Hương Phong đã trang bị các loại máy cắt, máy mài, máy bóc vỏ, máy bóc ván. Tuy nhiên, còn cần phải có máy nâng, máy gắp và trạm cân, tổng trị giá khoảng 1 tỷ đồng, HTX đang kêu gọi đầu tư để kiện toàn máy móc, thiết bị, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, HTX đang trong quá trình thỏa thuận, tiến tới ký hợp đồng với một số doanh nghiệp để đảm bảo ổn định về đầu ra cho sản phẩm.
Theo đánh giá của UBND huyện A Lưới, HTX Hương Phong đi vào hoạt động là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn, là bước đi mạnh dạn của chính quyền, người dân, nhất là các thành viên HTX khi dám nghĩ, dám đầu tư nguồn vốn lớn để mua sắm máy móc, thu mua nguyên liệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Chính vì vậy, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hỗ trợ HTX phát triển bền vững trong thời gian tới.
Tùng Lâm