Là nơi có kinh nghiệm và truyền thống trồng sắn dây lâu đời nhất, xã Đông Sơn có khoảng 15 ha trồng sắn dây của hàng chục hộ sản xuất, mỗi hộ sở hữu từ 3-4 sào đến vài mẫu. Theo người dân nơi đây, sắn dây là loại cây dễ trồng, chịu hạn tốt, ít công chăm sóc, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp do tự nhân giống cho các vụ liền kề.
Tổ chức lại sản xuất
Nhiều năm trước, một nửa sản lượng củ sắn dây thu được phải bán tươi cho các thương lái nơi khác mua về chế biến. Nguyên nhân là do tinh bột sắn dây là sản phẩm thường được sử dụng uống trực tiếp nên người tiêu dùng hết sức cẩn trọng khi mua, chỉ mua khi tin tưởng và biết rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho HTX |
Để khắc phục tình trạng này, 14 hộ nông dân trồng sắn dây đã cùng nhau liên kết thành lập HTX nhằm giúp sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, có giá trị kinh tế cao hơn và phát triển bền vững. Ông Vũ Tuấn Hoan, Giám đốc HTX cho biết sau khi thành lập, HTX tiến hành tổ chức lại sản xuất từ chăm sóc, thu hoạch đến chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường.
Trong sản xuất, HTX yêu cầu các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ cỏ hay bất kỳ hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc kích thích nào khác.
Trong chế biến tinh bột sắn dây vốn gây ô nhiễm môi trường do nước thải và bã sắn, HTX đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hệ thống biogas. Từ đó, việc xử lý bã sắn dây và nước thải đã dần bảo đảm yêu cầu tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước.
Bên cạnh đó, với dây chuyền thiết bị đồng bộ, hệ thống sấy bằng điện thay cho việc sản xuất thủ công hoặc sấy bằng than đã giúp giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, tạo thêm việc làm cho hàng chục lao động, tăng thêm lợi nhuận cho HTX.
Khi đưa một số mẫu nước, mẫu thành phẩm tinh bột đi kiểm định, phân tích, đánh giá về chất lượng, HTX đã được trao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Phòng Kinh tế TP Tam Điệp.
Ông Nguyễn Minh Lộc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá cao việc HTX thực hiện đúng quy trình chế biến vệ sinh an toàn thực phẩm được cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Đồng thời, yêu cầu thành viên HTX cần thực hiện nghiêm cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, từ đó góp phần xây dựng và nhân rộng mô hình có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Tạo chỗ đứng trên thị trường
Cây sắn dây rất hợp với chất đất và điều kiện khí hậu ở vùng đất đồi Tam Điệp. Do vậy, sắn dây trồng ở đây cho năng suất và chất lượng củ rất tốt. Bình quân mỗi sào cho thu hoạch trên dưới 1 tấn củ tươi, cứ mỗi tấn củ tươi chế biến được từ 1,3 - 1,8 tạ tinh bột sắn dây thành phẩm đạt chuẩn. Với giá bán hiện tại dao động quanh mức 120.000 - 150.000 đồng/kg, 1 sào sắn dây thu về khoảng 15 - 18 triệu đồng.
Sắn dây trồng ở đất đồi Tam Điệp cho năng suất và chất lượng củ tốt |
Mùa thu hoạch sắn dây năm nay, nhiều nông dân Đông Sơn thực sự phấn khởi bởi cây sắn dây cho năng suất cao và sản phẩm tinh bột sắn dây đã bước đầu có tên tuổi, có chỗ đứng trên thị trường, việc tiêu thụ vì thế cũng dễ dàng hơn.
Ông Lê Thành Trung có 5.000 m2 chuyên trồng sắn dây cho biết năm nay, năng suất củ đạt khá. Từ khi tham gia HTX, các thành viên hỗ trợ nhau về công lao động, máy móc nên khâu thu hoạch nhàn hơn trước rất nhiều. Tất cả các khâu từ rửa củ, nghiền, lọc lấy tinh bột, phơi sấy đều được thay thế dần bằng các loại máy móc hiện đại nên đã giảm công lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường.
"Hiện, tôi không bán củ tươi nữa mà đưa vào chế biến hết. Sản phẩm của chúng tôi làm ra đều được gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc, có số điện thoại để người tiêu dùng có thể phản ánh về chất lượng" - ông Trung cho biết thêm.
Mặc dù giá trị kinh tế từ cây sắn dây mang lại không hề nhỏ nhưng việc mở rộng diện tích trồng hay tăng quy mô chế biến lại không phải là chuyện dễ dàng với người dân trong vùng. Vì thế, cách để tạo lợi nhuận lâu dài được HTX xác định là chú trọng vào chế biến sâu, sản xuất sạch nhằm định vị thương hiệu, giữ gìn uy tín và danh tiếng cho sản phẩm, bảo đảm cho sự phát triển bền vững sau này.
Thu Huyền