Đam mê phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tháng 10/2018, 15 bạn trẻ đến từ nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã cùng nhau hợp sức thành lập HTX chuyên trồng cây măng tây và nuôi thỏ. Có kiến thức và chiến lược phát triển bài bản, sản phẩm sạch của HTX làm ra được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận.
Liên kết thực hiện ước mơ làm giàu
Mô hình kết hợp nuôi thỏ và trồng măng tây được bắt nguồn từ câu chuyện khởi nghiệp rong ruổi khắp từ Nam ra Bắc của anh Nguyễn Hùng Cường, Phó giám đốc HTX. Đang làm việc tại UBND xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh), chàng trai 31 tuổi này bất ngờ xin nghỉ việc, lặn lội khắp 3 miền làm đủ mọi nghề để mưu sinh. Ở đâu có mô hình làm kinh tế hay, anh Cường đều tìm đến tham quan, học hỏi rồi đúc kết mô hình nuôi thỏ và trồng măng tây khá phù hợp trên vùng đất quê mình.
Mô hình nuôi thỏ của HTX |
Trở về quê, anh Cường lên phương án triển khai ý tưởng của mình. Tuy nhiên, để triển khai nuôi thỏ và trồng măng tây theo hướng nông nghiệp hữu cơ cần nguồn vốn khá lớn. Một mình không đủ nguồn lực đầu tư, nên anh chia sẻ ý tưởng này với nhiều người bạn có cùng đam mê.
Lần lượt những người bạn thân của Cường là Nguyễn Thị Thanh Truyền, Nguyễn Quốc Tin, Trần Thị Cẩm Tiên đồng ý góp vốn thực hiện dự án. Các bạn trẻ này làm nhiều ngành nghề khác nhau, tuổi đời đều dưới 32 tuổi, có người được đào tạo bên lĩnh vực xây dựng, người học kế toán...
Từ đó, HTX chăn nuôi thỏ được thành lập, mỗi người phụ trách một lĩnh vực. Người phụ trách sản xuất, người phụ trách marketing, người làm kế toán... cùng nhau liên kết thực hiện ước mơ làm giàu.
Ý thức được chăn nuôi muốn bền vững phải theo hướng sạch, bảo vệ môi trường, HTX chọn thức ăn cho thỏ chủ yếu sử dụng nguồn thức ăn thiên nhiên có trong vườn nhà. Để giúp thỏ khỏe mạnh, HTX cho thỏ ăn thêm lá cây hoàng ngọc, một loại cây thuốc nam phòng các bệnh về tiêu hóa, tuyệt đối không dùng thuốc kháng sinh.
Phó giám đốc Nguyễn Hùng Cường tiết lộ: “Nuôi thỏ rất ít chi phí đầu tư, nhưng phải nâng niu như em bé. Người nuôi phải từ làm tất tần tật từ phối tinh đến đỡ đẻ cho thỏ”. Sau khi phối tinh cho thỏ mẹ, các thành viên HTX sẽ ghi lại ngày. Khoảng 30 - 32 ngày sau, thỏ mẹ sẽ đẻ con. Thỏ con vừa lọt lòng tách chúng ra chuồng khác nuôi riêng vì nếu nuôi chung, thỏ con dễ bị thỏ mẹ giẫm đạp hoặc thỏ mẹ cắn cả thỏ con.
Bổ trợ cho nhau
Số lượng đàn thỏ của 15 thành viên trong HTX hiện đã tăng lên hơn 1.000 con. Ngoài ra, HTX có 1ha trồng cây măng tây. Thoạt nghe tưởng chừng loại cây và con vật này không liên quan đến nhau, nhưng dưới bàn tay cần cù, óc sáng tạo của các bạn trẻ đã trở thành vật nuôi, cây trồng bổ trợ cho nhau khá bài bản.
Ngoài nuôi thỏ, HTX còn có 1ha trồng măng tây xanh |
Phân thỏ sau khi được xử lý bằng vi sinh sẽ đem ra bón cho cây măng tây; đồng thời cây măng sau khi thu hoạch, một số đoạn trên thân dôi ra sẽ được làm thức ăn cho thỏ. Chị Nguyễn Thị Thanh Truyền, thành viên của HTX cho biết: "Dự án nuôi thỏ và trồng cây măng tây được đánh giá cao vì là mô hình thân thiện với môi trường; đồng thời sản phẩm có đầu ra tương đối ổn định".
Măng tây được bón bằng phân hữu cơ vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa cho măng đặc ruột, chắc, ngọt thanh, thơm ngon hơn. Lứa đầu tiên, HTX đã xuất bán được hơn 4 tạ măng tây cho Công ty Linh đan Miền Trung.
Ngoài 4 người đóng vai trò là hạt nhân của HTX, 11 bạn trẻ khác từ nhiều nơi trên địa bàn huyện qua nhiều kênh “mai mối” cũng đã xin gia nhập HTX. Những thành viên khi gia nhập HTX được cung ứng giống thỏ bách thảo, hướng dẫn quy trình và kỹ thuật nuôi thỏ, cũng như được HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ thỏ.
Hàng tháng, lượng thỏ HTX xuất bán khoảng 450kg; còn măng tây cho sản lượng bình quân 50kg/ngày. Bước đầu, HTX sử dụng lợi nhuận để mở rộng quy mô của dự án. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng thêm 3ha măng tây và xây dựng một khu nuôi thỏ tập trung quy mô lớn ngay tại xã Tịnh Hiệp.
Hà Xuyên