Ðến nay, Gia Lộc đã hình thành 35 vùng chuyên canh rau, củ, quả và gần 50 vùng lúa chất lượng cao với tổng diện tích hơn 1.500 ha. Các vùng chuyên canh này đã góp phần đưa giá trị bình quân trên một ha đất canh tác trên địa bàn huyện đạt trên 200 triệu đồng/năm.
Đổi mới sản xuất
Đáng chú ý, trên địa bàn huyện Gia Lộc phát triển thành công một số mô hình sản xuất hiệu quả như vùng chuyên sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, thân thiện môi trường; vùng trồng cây hoa đào, mỗi năm cho thu nhập từ 500 đến 800 triệu đồng/ha… giúp đời sống kinh tế của các hộ dân ngày càng được nâng cao.
Sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với an toàn sinh thái là chủ trương của ngành nông nghiệp huyện Gia Lộc. |
Điển hình, HTX Tân Minh Đức (xã Phạm Trấn) đang là một trong những HTX đi đầu trong làn sóng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với an toàn sinh thái trên địa bàn huyện Gia Lộc.
Với diện tích trồng rau hơn 100ha, HTX đã phối hợp với Chi cục bảo vệ thực vật Hải Dương tiến hành giám sát, hướng dẫn, chỉ đạo thành viên, nông dân liên kết thực hiện sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, cho thấy tính ưu việt về nhiều mặt.
Ông Hoàng Anh Thư, đại diện HTX cho hay sản xuất trong nhà màng, nhà lưới góp phần giảm 70% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mang lại hiệu quả cao hơn 25 – 40% phương pháp thông thường. Đồng thời, giúp HTX đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, từ đó thu hút nhiều đối tác thu mua hơn.
Nhờ sản xuất sạch, nói không với hóa chất độc hại, sản phẩm của HTX Tân Minh Đức đều có tem truy xuất nguồn gốc, thông tin sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu. HTX bao tiêu toàn bộ cải bắp nên nông dân rất phấn khởi, hăng hái sản xuất.
Cùng với Tân Minh Đức, HTX thủy sản Xuyên Việt (xã Hồng Hưng) cũng đang là một điểm sáng trong phát triển nông nghiệp sạch, mang lại hiệu quả cao trên địa bàn huyện Gia Lộc.
HTX đang có tổng diện tích ao nuôi lên tới 7ha, trong đó có 5ha ao nổi công nghệ Israel, đem lại doanh thu 5 tỷ đồng/năm. HTX hiện có 15 ao, gồm 3 ao nuôi cá thịt, 12 ao cá giống, các giống cá nuôi chủ yếu là cá rô phi, chiếm 70 - 80%, còn lại là cá mè, trắm, chép…
Xây dựng thị trường
Ông Lê Văn Việt, đại diện HTX Thủy sản Xuyên Việt, chia sẻ: “Muốn thị trường đón nhận sản phẩm, cần phải đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên, luôn tìm và áp dụng những công nghệ mới vào công tác sản xuất để tối ưu hóa sản xuất. Đảm bảo và kiểm soát được chất lượng sản phẩm, chọn lựa đối tác và xác định mục tiêu để xây dựng định hướng thương hiệu cho sản phẩm”.
Các HTX đang khẳng định dấu ấn trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp huyện Gia Lộc. |
Theo đó, HTX xây dựng các tiêu chí kiểm soát dựa trên các tiêu chuẩn được cấp phép và chứng nhận của các tổ chức trong và ngoài nước như VietGAP, GlobalGAP… Trong quá trình sản xuất, HTX luôn tìm tòi, thử nghiệm và áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất.
Việc áp dụng những công nghệ mới, ưu việt hơn cách làm truyền thống đã cho thấy hiệu quả rõ rệt khi giảm thiểu được chi phí sản xuất, tăng năng suất sản phẩm, kiểm soát được chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tối đa dịch bệnh và những tác động xấu từ môi trường như nắng nóng, giá rét, lũ lụt…
Để sản phẩm được thị trường đón nhận, HTX Xuyên Việt đã chủ động giải quyết từng vấn đề một cách bài bản. Sản phẩm của HTX luôn được kiểm soát nghiêm ngặt từ đầu vào, quá trình sản xuất, cho đến đầu ra nên có sự ổn định cao. Các sản phẩm luôn được chú trọng mẫu mã, hình thức phù hợp nhất. Cùng một sản phẩm, nhưng có những phân khúc khác nhau để khách hàng dễ dàng chọn lựa.
Các kết quả thực tế cho thấy các HTX đang đóng vai trò rất tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp huyện Gia Lộc trong những năm qua. Hiệu quả của các HTX cũng đang góp phần thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện.
Thời gian tới, bên cạnh nâng cao vai trò của HTX, huyện cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng theo hướng hàng hóa gắn với an toàn sinh thái.
Cùng với đó, huyện khuyến khích các HTX, doanh nghiệp có tiềm lực, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, nâng cao quy mô kinh tế hộ, đa dạng hóa các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường.
Mỹ Chí