Cẩm Dương đang là một trong những xã đi đầu ở Cẩm Xuyên trong chuyển đổi ruộng đất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đưa vào canh tác những loại giống mới, năng suất cao, đồng thời ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đem lại hiệu quả tích cực.
Hiệu quả chuyển đổi ruộng đất
Ông Trần Đức Dục, trưởng thôn Nam Thành, xã Cẩm Dương, chia sẻ trước đây, khi chưa chuyển đổi, ruộng đất trên địa bàn thôn chia cắt, phân tán manh mún, nên việc áp dụng cơ giới hóa rất khó, người dân mạnh ai nấy làm nên giá trị sản xuất bị ảnh hưởng.
Những năm qua, sau chuyển đổi ruộng đất lần 3, các cánh đồng lớn dần thành hình. Hiện, ở Nam Thành, thửa nhỏ nhất rộng khoảng 7 sào, thửa lớn nhất rộng gần 3 ha. “Cánh đồng lớn sau chuyển đổi bằng phẳng, thuận lợi cho cơ giới hóa, giúp người dân chúng tôi đỡ công sức và tiết kiệm chi phí chăm sóc rất nhiều”, ông Dục phấn khởi nói.
Cẩm Xuyên đang chú trọng chuyển đổi ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn (Ảnh: BHT). |
Không riêng xã Cẩm Dương, hiện nay, những cánh đồng lớn hiện diện ở khắp mọi miền quê của huyện Cẩm Xuyên. Người dân xứ Cẩm gọi đây là “cuộc cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ dồn điền đổi thửa, hình thành cánh đồng mẫu lớn, Cẩm Xuyên còn thực hiện chuyển đổi quyền sử dụng đất trên thửa ruộng đã được chia lại (hay còn gọi là chuyển đổi ruộng đất lần 3).
Như ở xã Cẩm Bình, với đặc tính địa hình sâu trũng, trước đây người dân chỉ sản xuất được một vụ, đời sống rất khó khăn. Mọi chuyện chỉ dần khởi sắc khi công cuộc chuyển đổi ruộng đất được thực hiện.
Anh Đặng Thế Luận, thôn Đông Trung, là một trong những người tích cực nhất ở địa phương trong việc chuyển đổi ruộng đất tập trung. Với mong muốn phát triển mô hình cá lúa hữu cơ, anh chủ động dồn điền đổi thửa với những hộ xung quanh để hình thành vùng sản xuất lớn hơn.
“Mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa mang lại hiệu quả kép do cá và lúa có quan hệ cộng sinh. Vụ đầu tiên thu hoạch, gia đình thu gần 200 triệu đồng. So với canh tác bình thường thì gia đình thu lợi gấp 3 - 4 lần. Quan trọng hơn, làm nông nghiệp hữu cơ giúp chúng tôi thay đổi phương thức canh tác, hướng đến bảo vệ môi trường và tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao”, anh Luận chia sẻ.
Hình thành các liên kết chuỗi
Kết quả thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cũng chỉ ra sau tập trung, tích tụ và chuyển đổi ruộng đất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp được nâng lên rõ rệt, tăng từ 16 - 20% so với sản xuất truyền thống. Trên diện tích 1 ha, sau khi tích tụ ruộng đất, giá trị kinh tế tăng hơn 4,9 triệu đồng/vụ so với sản xuất truyền thống quy mô nhỏ.
Một điểm đáng chú ý trong sản xuất nông nghiệp ở Cẩm Xuyên là sự hình thành và hoạt động tích cực của các HTX, tổ hợp tác, góp phần thay đổi nhận thức, tập quán, hướng người dân từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung gắn với an toàn sinh thái để nâng cao giá trị.
Điển hình, bắt đầu khai hoang vùng đất cằn ở xã Yên Hòa vào năm 2014 theo dự án của tỉnh, trên diện tích 10,5 ha, HTX thương mại, dịch vụ tổng hợp và chăn nuôi Hà Trung, với 9 thành viên đã vượt qua nhiều khó khăn để tạo dựng những thành công ấn tượng với sản phẩm củ cải trắng chủ lực.
Lãnh đạo HTX Hà Trung cho biết thời gian qua, để vượt qua những khó khăn thời hậu dịch bệnh Covid-19, các thành viên HTX đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn sinh thái để tham gia vào “sân chơi” OCOP, đồng thời tăng cường chế biến để nâng cao giá trị.
Sản xuất trên cánh đồng lớn giúp nông dân Cẩm Xuyên nâng cao thu nhập, xóa nghèo, làm giàu (Ảnh: BHT). |
Cụ thể, các thành viên HTX đã mạnh dạn tìm tòi, học hỏi, đầu tư gần 100 triệu đồng mua máy móc, xây dựng xưởng sản xuất chế biến củ cải sấy theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ chế biến, nông dân có thể hoàn toàn yên tâm khi được cam kết giá và sản phẩm đầu ra, tránh khỏi điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Anh Lê Quyết Thắng, thành viên HTX Hà Trung cho biết: “Được HTX đầu tư chế biến, với hơn 3 ha củ cải sau khi thu hoạch xong, sơ chế thành củ cải khô, trừ chi phí thu lãi hơn 20 triệu đồng, cao hơn gấp 3-4 lần so với canh tác các loại cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích đất”.
Không chỉ nâng cao giá trị, sản xuất VietGAP, hữu cơ còn giúp thành viên HTX giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững. Cụ thể, để đạt chuẩn OCOP, nông sản của HTX phải được canh tác theo quy trình sạch, nói không với hóa chất độc hại, chất kích thích tăng trưởng.
Tương tự, việc mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa, trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu theo hướng VietGAP đang mang lại những thành công ấn tượng cho các thành viên HTX sản xuất cây dược liệu thôn Yên Khánh, xã Cẩm Vịnh.
Điểm tựa giảm nghèo bền vững
Kim tiền thảo đang là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập cao nhất cho các thành viên, hộ liên kết của HTX Yên Khánh, hiện chiếm xấp xỉ 4/5 tổng diện tích canh tác.
Ông Trần Xuân Tân, thành viên liên kết của HTX cho biết theo hợp đồng bao tiêu của HTX với doanh nghiệp, giá bán kim tiền thảo đang ổn định ở mức 18.000 - 20.000 đồng/kg cành lá khô. Với năng suất bình quân đạt 1,2 - 1,5 tạ sản phẩm khô/sào/lần thu hoạch, sau khi trừ chi phí người dân thu lãi 3 - 3,5 triệu đồng/sào/năm.
Theo ông Tân, trồng kim tiền thảo cho hiệu quả gấp 2 - 3 lần trồng lúa hay các loại rau màu truyền thống. Đặc biệt, có sự đồng hành của HTX, người dân sản xuất theo quy trình VietGAP, mang lại lợi ích tích cực về môi trường sinh thái.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên đang có trên 30 HTX, Tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, tác động tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương.
Với những thành công trong cuộc cách mạng chuyển đổi ruộng đất, phát triển cánh đồng lớn, cùng những đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, với nòng cốt là HTX, ngành nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên đang ghi nhận những bước đột phá vượt bậc, tạo nền tảng để đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo.
Theo thống kê, vào đầu năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Cẩm Xuyên là 5,13% nhưng đến cuối năm 2022 đã giảm xuống còn 4,39%. Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,18% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 2,8%, huyện Cẩm Xuyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai hỗ trợ, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Lệ Chi