Về xã Châu Minh, hỏi về “vua vịt” Ngọ Văn Hòa, ít người không biết, bởi anh đang phát triển mô hình chăn nuôi lớn nhất nhì tỉnh. Hiện, bình quân mỗi năm, anh nuôi 3 lứa vịt, mỗi lứa từ 2-3 vạn con vịt đẻ và thương phẩm, thu nhập hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Đa hướng sản xuất
Để có được thành công hiện tại, anh Hòa đã trải qua nhiều lần thất bại, rút kinh nghiệm, học hỏi, từ đó hoàn thiện mô hình. Hiện, tại trang trại của anh có lò ấp để chủ động nguồn giống tốt, anh cũng lựa chọn loại cám chất lượng, phù hợp với đàn vật nuôi.
Trong quá trình chăn nuôi, anh Hòa luôn đặc biệt quan tâm khử trùng chuồng trại. Đây là lý do nhiều năm qua, vật nuôi của gia đình anh không bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao. Bình quân doanh thu từ nuôi vịt đạt 3-5 tỷ đồng/năm, trong đó lợi nhuận đạt khoảng 40%.
Ngày càng có nhiều mô hình sản xuất tiền tỷ của nông dân Hiệp Hòa. |
Cũng gây được nhiều ấn tượng trong quá trình phát triển kinh tế gia đình trên địa bàn huyện Hiệp Hòa là anh Phạm Văn Toàn, xã Đông Lỗ, thành công với mô hình chăn nuôi tổng hợp, có ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại.
Với hơn 1 ha diện tích vườn đồi của gia đình, mỗi lứa anh Toàn nuôi 1 nghìn con gà. Sau này, anh kết hợp nuôi hơn 40 con dê, gần chục con bò và 3 mẫu ao nuôi cá. Mỗi năm, từ chăn nuôi 3 lứa gà, 2 lứa cá, 2 lứa dê mang lại lợi nhuận 250- 300 triệu đồng.
Những diễn biến thực tế chỉ ra trên địa bàn huyện Hiệp Hòa ngày càng có nhiều cá nhân điển hình phát triển sản xuất giỏi, vừa làm giàu cho bản thân, vừa tạo việc làm cho lao động, đóng góp tích cực vào quá trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương.
Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Hiệp Hòa tiếp tục duy trì 38 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, nhà màng. Huyện cũng triển khai hỗ trợ 4 mô hình nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 3 tỷ đồng.
Chú trọng liên kết trong sản xuất
Cụ thể, huyện đã hỗ trợ 200 triệu đồng thực hiện chuỗi liên kết lúa giống VNR 20 diện tích 74 ha tại xã Danh Thắng; hỗ trợ hơn 79 triệu đồng thực hiện mô hình trồng cà chua ghép trên thân cây cà tím tại xã Xuân Cẩm, Hợp Thịnh với quy mô 1,7 ha; hỗ trợ hơn 278 triệu đồng thực hiện mô hình chăn nuôi và chế biến lợn thương phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Hoàng An, quy mô 100 con.
Bên cạnh đó là các mô hình giống lúa chất lượng cao tại 19 xã có với tổng diện tích 1.900 ha, tổng kinh phí thực hiện dự án gần 4,4 tỷ đồng (ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 2,3 tỷ đồng; đối ứng của hộ dân hơn 2 tỷ đồng)…
Cùng với thúc đẩy sản xuất hiện đại, ngành nông nghiệp huyện Hiệp Hòa cũng đang chú trọng vai trò của các HTX, doanh nghiệp nhằm hình thành các chuỗi liên kết, mang lại thu nhập cao hơn cho người dân.
Huyện Hiệp Hòa chủ trương thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị. |
HTX nông nghiệp Đồng Tâm 3 ở xã Thường Thắng là một ví dụ. Trước đây, với 2.500 m2 nhà màng trồng dưa vàng, dưa chuột, rau cao cấp và hơn 10 ha ruộng lúa hữu cơ của Tổ hợp tác chưa cho năng suất cao nhưng bảo đảm tiêu chuẩn sạch. Thu nhập của các thành viên cũng cao hơn, sản phẩm có đầu ra ổn định. Nhờ vậy, Tổ hợp tác ngày càng phát triển, đến giữa năm 2017 thì chính thức “nâng cấp” thành HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 với 52 hộ tham gia.
Từ khi nâng cấp lên thành HTX, các sản phẩm gạo sạch, rau quả sạch của HTX có bao bì quy chuẩn, có tem truy xuất nguồn gốc, không chỉ có mặt tại nhiều siêu thị ở Bắc Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn xuất khẩu.
Giám đốc HTX, ông Nguyễn Văn Nghiệp cho biết, hiện nay, HTX đang thực hiện hợp đồng với một công ty của Nhật Bản, sản xuất 9 loại xà lách theo công nghệ BLOF.
Trên địa bàn huyện Hiệp Hòa còn có HTX Chăn nuôi Trường Thành là một trong những đơn vị chăn nuôi và chế biến thịt lợn sạch hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận. HTX đã áp dụng mô hình chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín, không chỉ kiểm soát được dịch bệnh mà còn bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng.
Theo đó, từ năm 2015, nắm bắt nhu cầu của thị trường về thực phẩm sạch, HTX bắt đầu chuyển hướng sang chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP. Để chủ động về nguồn con giống khỏe mạnh, 300 con lợn nái giống ngoại được HTX nuôi. Nhằm xử lý triệt để các chất thải trong chăn nuôi, các thành viên HTX sử dụng hầm khí biogas và đệm lót sinh học nhằm hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường.
Thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo
Ngoài hai HTX kể trên, ở Hiệp Hòa còn nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khá hiệu quả. Chẳng hạn HTX Hoàng Lương chuyên canh rau cần, xuất khẩu sang Hàn Quốc để làm món Kim chi nổi tiếng; Bưởi Diễn của HTX Lương Phong chinh phục thị trường Hà Nội; Gạo nếp cái hoa vàng của HTX Thái Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận bảo hộ độc quyền... Đến nay, toàn huyện có 10 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Chính những thành công trong sản xuất nông nghiệp giúp huyện Hiệp Hòa đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo trong những năm qua. Theo thống kê, đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn hơn 3,2%, giảm 1.220 hộ, tương đương với 2,14% so với năm 2021. Một số địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp như xã Hoàng Thanh (0,97%); thị trấn Thắng (2,03%); xã Thường Thắng (2,29%)...
Thời gian tới, huyện Hiệp Hòa đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất, trọng tâm là phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với tăng cường liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản, có các giải pháp hiệu quả nhằm khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh cơ giới hóa, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời, huyện khuyến khích tích tụ ruộng đất, xây dựng hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp đã được quy hoạch. Tiếp tục chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể theo mô hình HTX kiểu mới, chú trọng thay đổi về chất lượng hoạt động, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX và nông dân; hỗ trợ các HTX trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Mỹ Chí