Hàng năm, Việt Nam sản xuất trên 55.000 tấn mật ong và hơn 1.000 tấn sáp ong, trong đó khoảng 85-90% sản lượng mật và sáp ong được xuất khẩu (XK).
Khác với các sản phẩm nông nghiệp khác trong nước, thị trường tiêu thụ sản phẩm ong chủ yếu là Mỹ và các nước châu Âu, Nhật Bản. Đây là những thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng.
Xuất khẩu bế tắc
Trong 3 năm gần đây, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, XK mật ong của Việt Nam đã giảm đáng kể cả về sản lượng và giá trị, gây khó khăn không nhỏ đến đời sống người nuôi ong và các doanh nghiệp (DN) XK.
25 năm nay, ông Nguyễn Đăng Thơ (Mộc Châu, Sơn La) gắn bó với nghề nuôi ong. Có thời điểm, số lượng đàn ong mà gia đình ông sở hữu lên tới 1.800 đàn, nhưng do bế tắc đầu ra, ông đã phải giảm quy mô xuống 950 đàn.
Ông Thơ cho biết từ năm 2016-2018, sản lượng mật và giá mật XK liên tục giảm qua các năm và kéo dài cho đến hiện tại. Giá bán một số loại mật ong chỉ còn 12.000 đồng/kg nên ông đã phải giảm số lượng đàn ong xuống để cố gắng duy trì và cầm cự. Với tình trạng như hiện nay, bình quân mỗi đàn ong của gia đình lỗ khoảng 500.000 – 600.000 đồng/năm.
"Năm 2018, sản lượng mật tăng so với những năm trước nhưng tình hình XK vẫn ảm đạm và theo chiều hướng xấu. Tôi buộc phải tiếp tục giảm đàn ong xuống còn 950 đàn. Mật bán nội địa năm 2018 có tăng sản lượng vì điều kiện tự nhiên thuận lợi nhưng lại diễn ra tình trạng "được mùa mất giá", ông Thơ chia sẻ.
Ông Nguyễn Kim Lan, HTX Nuôi ong xã Sơn Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), cho biết tính đến cuối tháng 3/2018, HTX có 728 đàn ong. Chất lượng mật ong rất tốt nhưng HTX lo nhất là khâu tiêu thụ giá bán bấp bênh. Hiện nay, sản phẩm mật ong của HTX sản xuất chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Lý giải nguyên nhân khiến đầu ra mật ong ngày càng bế tắc, đặc biệt là XK sang thị trường châu Âu, bà Trần Ngọc Lan, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết về nguồn thức ăn bổ sung: cây nguồn mật, phấn trong tự nhiên nở hoa theo mùa lúa nên lúc dư thừa, lúc lại không đủ hoặc có nở hoa nhưng thời tiết xấu, ong không lấy được mật hoa.
Vì vậy, thức ăn bổ sung cho ong thường sử dụng đậu tương biến đổi gen nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và Brazil. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) không đồng thuận với mật ong có dấu vết từ phấn hoa của cây trồng biến đổi gen, vì vậy gây khó khăn cho mật ong Việt Nam.
Cùng với đó, ông Thơ cho rằng giá cả sản phẩm mật ong bấp bênh, thị trường XK không ổn định là do liên kết giữa người nuôi ong, các hội ong, DN thu mua lỏng lẻo, yếu kém. Nhà nước, Bộ NN&PTNT chưa thực sự quan tâm nhiều tới ngành ong, chưa có chính sách bảo hộ cho người nuôi ong.
Thực tế hiện nay, đầu ra của mật ong ngày càng khó khăn khiến người nuôi phải cắt giảm số lượng đàn, nhưng lại đang xảy ra tình trạng mật ong Trung Quốc xuất sang Việt Nam, sau đó trà trộn vào mật ong Việt Nam để XK.
Cùng với đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi đã gây hại lớn cho đàn ong và ảnh hưởng tới chất lượng mật ong. Mật độ đàn ong nhiều nhưng chưa có sự cân đối giữa số lượng đàn ong và diện tích nguồn hoa.
Một số cá nhân, đơn vị còn mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc gây pha tạp, tỷ lệ cận huyết cao; nhập giống ong ngoại một cách tuỳ tiện không theo quy trình kiểm dịch và nuôi cách ly; không thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Giống vật nuôi và Luật Thú y. Đây là nguy cơ tiềm ẩn lớn cho việc lan truyền các loại dịch bệnh và làm thoái hóa các giống ong trong nước.
Ba năm gần đây, XK mật ong của Việt Nam đã giảm đáng kể cả về sản lượng và giá trị |
Bài toán giá trị gia tăng
Đặc biệt, mật ong là sản phẩm XK nhiều năm, đóng góp rất lớn vào kim ngạch XK của ngành nông nghiệp nhưng Việt Nam đến nay vẫn chưa có thương hiệu riêng, chủ yếu XK qua công ty trung gian, làm giảm giá trị gia tăng. Hiện, DN thu gom mật ong còn xảy ra tình trạng cạnh tranh lẫn nhau, kéo giảm giá trị mật ong.
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày một gay gắt, Ts. Đinh Quyết Tâm, Hội Nuôi ong Việt Nam, kiến nghị cần có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất, nhập khẩu, chống giả mạo xuất xứ nguồn gốc và chất lượng mật ong. Đồng thời, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm ong tiến tới tương đương với bộ tiêu chuẩn của EU, giám sát chặt chẽ hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm.
Đại diện cho các hộ chăn nuôi, ông Thơ mong muốn Hội Nuôi ong cần có sự liên kết để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm mật ong, giúp nghề nuôi ong phát triển bền vững. Các DN thu mua cần có các cam kết về bao tiêu sản phẩm, tạo liên kết chặt chẽ với các hộ nuôi ong để người nuôi ong yên tâm đầu tư cho các đàn ong.
Cùng với đó, Cục Chăn nuôi cũng khuyến nghị, các DN cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng cải tiến đa dạng hóa sản phẩm, tuyên truyền về lợi ích của mật ong đối với sức khỏe cộng đồng; xây dựng những vùng thương hiệu mật ong gắn với chỉ dẫn địa lý; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn địa phương để quản lý nuôi ong; xây dựng các tổ, đội, HTX nuôi ong, liên kết thành chuỗi hàng hóa, để ổn định cung – cầu.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Hiệp hội và người nuôi ong cần có sự kết nối một cách chặt chẽ với người nông dân, chính quyền địa phương trên tinh thần người nông dân và người nuôi ong cùng hợp tác tồn tại và phát triển.
Qua đó người nuôi ong trao đổi và nắm bắt được lịch thời vụ gieo trồng, kế hoạch phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại trên một số cây nguồn mật ong, phấn hoa của người nông dân (đặc biệt là giai đoạn hoa nở rộ) để có biện pháp chăm sóc và lấy mật ong, phấn hoa phù hợp.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát và hướng dẫn người dân tuân thủ thực hiện tốt quy trình kỹ thuật, mô hình sản xuất tốt trong sản xuất (IPM, 3G3T, GAP…) nhằm kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả, tránh tình trạng không kiểm soát được thì cấm sử dụng dẫn đến trường hợp người sản xuất không có thuốc để sử dụng và phải sử dụng thuốc không đúng đối tượng.
Điều đó có nghĩa để ngành chăn nuôi ong phát triển bền vững, phát huy hết tiềm năng và vượt qua những thách thức, ngành ong cần thực hiện triển khai sớm việc xây dựng kế hoạch tổng thể nhằm tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Thy Lê