Tiềm năng về nguồn khách cho du lịch cộng đồng của Quảng Nam được đánh giá là rất lớn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 di sản văn hóa thế giới là Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An, có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, cùng 4 di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích quốc gia (trong đó 46 di tích ở khu vực nông thôn), 350 di tích cấp tỉnh (trong đó 300 di tích ở khu vực nông thôn).
Về di sản văn hóa phi vật thể, ngoài Nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO công nhận di sản thế giới, Quảng Nam còn có 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hầu hết ở khu vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có hơn 70 lễ hội truyền thống, 34 làng nghề tiêu biểu và nhiều hình thái di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng.
Hiệu quả tích cực
Được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là Điểm du lịch sinh thái tiêu biểu, vườn rau hữu cơ Thanh Đông của HTX Thanh Đông (phường Cẩm Thanh, TP Hội An) đã thu hút được nhiều du khách trong nước và nước ngoài đến thăm quan trải nghiệm.
Vườn rau hữu cơ Thanh Đông thu hút nhiều khách trong và ngoài nước đến thăm quan trải nghiệm. |
Đến nay, mô hình của HTX Thanh Đông đã được nhân rộng trên địa bàn và các thôn khác của phường Cẩm Thanh cũng như TP Hội An. Với mô hình này cùng những lợi thế của thôn Thanh Đông có nhiều di tích lịch sử, văn hóa như lăng Trà Quân, miếu Ông Tiến, đình Thanh Nam đang xây dựng… gắn với sông Đình, sông Đò bao bọc sẽ tạo ra những tuyến tham quan hấp dẫn du khách, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân
Thời gian gần đây, xã biển Tam Thanh (TP Tam Kỳ) ngày càng thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước khi dự án phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng được triển khai. Các điểm đến hấp dẫn như làng Bích Họa, con đường thuyền thúng, làng Bách Hoa, đài vọng cảnh đồi Ông Ổi, dịch vụ homestay... đang tạo điều kiện để du lịch nơi đây ngày một phát triển, để lại nhiều ấn tượng trong du khách.
Theo đó, HTX Du lịch cộng đồng Tam Thanh đã thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất tại địa phương sang hướng phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. HTX chính là cầu nối liên kết giữa người dân làng chài với doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đồng thời, HTX cũng là đơn vị đầu mối phát triển thu hút khách du lịch, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và đạt được các tiêu chí trong xây dựng xã NTM.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn có các điểm đến bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, như chương trình trải nghiệm các hoạt động nghề nông ở làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh (Hội An); làng Triêm Tây (Điện Bàn), làng trái cây Đại Bình (Nông Sơn), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước)...
Phát triển du lịch cộng đồng
Theo đại diện Tỉnh ủy Quảng Nam, đối với phát triển du lịch nông thôn, tỉnh đã định hướng tại Nghị quyết số 08-NQ/TU (ngày 27/12/2016) về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Đồng thời, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi và Đề án định hướng phát triển du lịch phía nam đến năm 2025.
"Hiện nay, các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm ở các làng quê, làng nghề nông thôn của tỉnh đã được nhiều địa phương quan tâm. Để thực hiện nội dung này, việc đẩy mạnh xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu và thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch nông thôn. Các nội dung này sẽ tương tác, thúc đẩy nhau cùng phát triển, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn", đại diện Tỉnh ủy Quảng Nam chia sẻ.
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM là đích đến mà tỉnh Quảng Nam đang hướng tới. |
Lãnh đạo Phòng Kế hoạch & Nghiệp vụ thuộc Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho hay, thời gian qua, Quảng Nam tập trung xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch nông thôn chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động không gian sản xuất nông nghiệp, với quan điểm phát triển bền vững về môi trường sinh thái và văn hóa, các giá trị của nông nghiệp truyền thống. Một số sản phẩm nông nghiệp - nông thôn gắn với hoạt động du lịch đã được hình thành, phát triển.
Cụ thể, tỉnh đã tập trung xây dựng 30 điểm du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng ở khu vực nông thôn, trong đó 7 điểm đã được UBND tỉnh công nhận điểm du lịch và 23 điểm đang trong giai đoạn xúc tiến đầu tư, hoàn thiện. Đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối đến các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng được chú trọng đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty lữ hành đưa khách đến tham quan, trải nghiệm.
Thời gian tới, Quảng Nam định hướng chiến lược cho phát triển du lịch nông thôn một cách tổng thể, tiến tới quy hoạch phát triển du lịch nông thôn một cách đồng bộ, liên kết chặt chẽ với ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh áp dụng chính sách thu hút các nhà đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sức khỏe, du lịch trải nghiệm giáo dục, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa dân gian đồng quê… Đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về du lịch, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển và hội nhập của du lịch...
Nguyễn Đan