Bảo vệ môi trường ở các thôn, bản là bước quan trọng để các xã trên địa bàn huyện Quan Sơn đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay,có rất nhiều xã, bản trên địa bàn huyện đang tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.
Tích cực vào cuộc
Xã Trung Thượng là địa phương đi đầu trong việc tích cực hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Với mục tiêu bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, tập thể chi bộ và các tổ chức chính trị xã hội thường xuyên tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình, người dân, đoàn viên, hội viên về công tác bảo vệ môi trường thông qua hội nghị chi bộ, hội nghị nhân dân, loa phát thanh của bản, trực tiếp đến các hộ gia đình.
Các phong trào như: “Vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm”, “5 không, 3 sạch” của Hội LHPN; Ngày thứ 7 tình nguyện của Đoàn thanh niên được phổ biến rộng rãi.
Nhiều mô hình bảo vệ môi trường được thực hiện ở Quan Sơn |
Mỗi gia đình hiện nay đã ý thức được quét dọn, khơi thông cống, rãnh giúp cho đường bản sạch, đẹp hơn. Các phong trào này đã lan tỏa trong cộng đồng dân cư, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện, do đó nhận thức và việc làm của người dân đã có nhiều thay đổi tích cực.
Sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới vào cuối năm 2018, đến nay, các hoạt động bảo vệ môi trường vẫn được duy trì và phát triển. Đặc biệt đến nay, xã đã xây dựng được 8 lò đốt rác tập trung, giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt. Song song đó, hầu hết các hộ đã biết chăn nuôi vệ sinh, 90% hộ dân tại xã Trung Thượng đã được sử dụng nước sạch.
Bên cạnh Trung Thượng là xã Trung Hạ. Địa phương này cũng đã xây dựng được môi trường sáng-xanh-sạch đẹp nhờ các hoạt động ý nghĩa như: trồng hoa ven đường, nuôi nhốt, tích cực phân loại rác, vệ sinh đường làng ngõ xóm, xây cổng rào, trồng cây xanh... Hiện nay, 100% hộ dân trên địa bàn xã đều có ý thức bảo vệ môi trường vì ai cũng nhận thấy môi trường là một phần quan trọng trong cuộc sống.
Theo lãnh đạo huyện, theo lộ trình thực hiện nông thôn mới, đến năm 2020, 50% số xã trên địa bàn huyện sẽ đạt chuẩn nông thôn mới, tương đương với việc 50% số xã trên địa bàn hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao chất lượng
Là huyện nghèo, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên vấn đề bảo vệ môi trường đối với huyện không phải là chuyện đơn giản, nhất là trong khi nhận thức bảo vệ môi trường của người dân còn thấp.
Tuy nhiên, nhận thấy bảo vệ môi trường có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt nông thôn, chống biến đổi khí hậu,huyện đã tích cực vào cuộc.
Ông Vũ Văn Đạt- Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết ô nhiễm môi trường đã làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Chính vì vậy, việc bảo vệ môi trường có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp bách, nhằm bảo vệ sự sống của con người và góp phần tích cực hưởng ứng phòng chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Hiện, huyện Quan Sơn đang đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến kiến thức thông qua các hoạt động cụ thể tại các cơ sở nhằm thay đổi nhận thức của cả cộng đồng bảo vệ môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp.
Huyện cũng tăng cường công tác “bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm” nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, cơ sở sản xuất xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến hàng lâm sản và thực phẩm một cách kịp thời, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường và an toàn toàn thực phẩm.
Thông qua đợt triển khai, thực hiện Chỉ thị, các cơ quan, đơn vị, bản, khu phố trên toàn huyện đã tích cực hưởng ứng và hăng hái vào cuộc, nhiều đơn vị, thôn bản đã quyết định lấy một ngày cụ thể trong làm ngày quy định thường xuyên huy động mọi người tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh thoát nước, xử lý rác thải, từ đó người dân nhận thức được ý thức, trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm là bảo vệ cuộc sống hàng ngày của chính mình.
Với việc thường xuyên vệ sinh môi trường, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình và cách làm có hiệu quả, điển hình như ở bản Păng xã Sơn Lư với mô hình hộ gia đình tư nhân đầu tư xe ô tô thu gom xử lý rác thải cho nhân dân trong bản, vừa ổn định thu nhập cho gia đình, đồng thời giải quyết việc làm cho 3-5 người với tổng tiền công mỗi người bình quân từ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Để góp phần nâng cao sức khỏe người dân, vấn đề xây dựng hệ thống công trình vệ sinh khép kín như nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại cũng được huyện chú trọng. Tiêu biểu tại bản Son xã Na Mèo là một bản vùng sâu, vùng xa, đường giao thông đi lại còn khó khăn tuy nhiên hiện nay, 90% các hộ gia đình trong bản đã có công trình vệ sinh khép kín.
Ngoài ra các hộ gia đình ở các bản, khu phố đã ý thức được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, mỗi hộ gia đình tự trồng rau sạch, chăn nuôi gia cầm giải quyết nguồn thực phẩm sạch, ý thức sử dụng nguồn thực phẩm sạch của người dân được nâng lên, chất lượng sống của người dân ngày càng được cải thiện, các dịch bệnh cũng giảm hẳn so với những năm trước.
Huyền Trang