Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi với 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung, 606 HTX chăn nuôi. Trong đó, phổ biến nhất là chăn nuôi lợn (4 triệu hộ) và gia cầm (8 triệu hộ), với tổng đàn là 408,9 triệu con gia cầm, 28,15 triệu con lợn và 47,6 triệu con gia súc.
Ứng dụng công nghệ Biogas
Mỗi năm, khối lượng chất thải rắn từ hoạt động chăn nuôi thải ra môi trường khoảng 90 triệu tấn/năm, nhưng chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn,…), còn lại 80% lượng chất thải chăn nuôi đã bị lãng phí và phần lớn thải ra môi trường gây ô nhiễm…
Xuất phát từ thực tế đó, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường - Liên minh HTX Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường: Ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi quy mô HTX, vai trò của HTX trong quản lý và bảo vệ môi trường nhằm đánh giá vai trò của HTX trong công tác bảo vệ môi trường, giải pháp nâng cao năng lực quản lý bảo vệ môi trường cho các HTX chăn nuôi.
Hệ thống hầm Biogas của HTX Xuân Lan |
Nhóm thực hiện nhiệm vụ đã lựa chọn HTX Xuân Lan (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) để hỗ trợ xây dựng mô hình. HTX đã quy hoạch chuồng trại, hệ thống giao thông, điện nước bài bản. Ngoài ra, khu vực chuồng trại chăn nuôi của HTX nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Thuận lợi của HTX Xuân Lan khi thí điểm xây dựng mô hình là đã có cán bộ phụ trách về môi trường cũng như đã xây dựng được kế hoạch thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi hàng ngày. HTX có mặt bằng xây dựng và khả năng huy động vốn đối ứng từ các thành viên xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ Biogas. Ngoài ra, với quy mô chăn nuôi trung bình, việc áp dụng và nhân rộng ra các HTX khác sẽ rất thuận lợi.
Với 6 chuồng nuôi có diện tích mỗi chuồng 1.800 m2, hàng năm, HTX duy trì 3000 đầu lợn. Với số lượng trên, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã tính toán được dung tích chứa của hầm Biogas là 30m3.
Khai thác lợi ích kinh tế
Th.s Nguyễn Tiến Dũng – chủ nhiệm đề tài cho biết: “Ban chủ nhiệm nhiệm vụ đã kiến nghị HTX trồng rau muống thay bèo tây để xử lý. Bèo tây tuy xử lý các chất hữu cơ tốt nhưng khả năng sinh khối lớn, vì vậy nếu không có biện pháp xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường”.
Ngoài ra, để xử lý mùi hôi từ chất thải chăn nuôi, nhóm thực hiện nhiệm vụ còn hỗ trợ HTX 130 kg chế phẩm sinh học (COSTE 01) để xử lý. COSTE 01 là sản phẩm nghiên cứu của Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường đã được Liên minh HTX Việt Nam nghiệm thu cấp Ngành. Hiện nay, loại chế phẩm này đã được ứng dụng tại nhiều nơi và đem lại hiệu quả tốt như: Hà Nam, Thái Bình, Hà Nội,….
Kết quả, khí sinh học của HTX phục vụ cho nhiều mục đích: chạy máy phát điện, bơm nước, đun nấu, thắp sáng,… Ngoài mục đích năng lượng, khí sinh học còn có thể dùng vào các mục đích khác như bảo quản thức ăn chăn nuôi, phụ phẩm sau khi sản xuất khí sinh học làm thức ăn bổ sung chăn nuôi.
Lợi ích từ công trình khí sinh học đã đáp ứng mục tiêu ngắn hạn và dài hạn là: Cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của HTX thông qua khai thác các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường của công trình khí sinh học quy mô HTX; ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi; góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tạo ra nguồn năng lượng sạch và rẻ tiền cho HTX.
Từ khi hệ thống đi vào hoạt động, mỗi tháng HTX Xuân Lan đã tiết kiệm được 1.300.000 đồng, 1 năm tiết kiệm được 15.600.000 đồng tiền mua gas phục vụ đun nấu.
Đặc thù của hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm Biogas là vận hành và quản lý khá đơn giản, tùy theo quy mô, nguồn thải ta có thể tính toán và xây dựng công trình xử lý phù hợp. Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị đánh giá cao tính thực tiễn của mô hình xử lý chất thải bằng hầm Biogas tại các HTX. Với điều kiện chủ yếu để xây dựng mô hình là nguồn thải và mặt bằng xây dựng hệ thống xử lý chất thải, khả năng nhân rộng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống hầm Biogas ra các HTX chăn nuôi khác là rất khả thi.
Hà Xuyên