Hoạt động của các HTX không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động mà còn góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm cây luồng thô giá trị thấp thành những sản phẩm có giá trị cao, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, thúc đẩy các loại hình dịch vụ vận tải phát triển.
Nâng cao vai trò của HTX
Sau hơn 10 năm phát triển, để đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX Hợp Phát (xã Xuân Phú, huyện Quan Hóa) đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng xưởng sản xuất, trang bị máy móc hiện đại và làm ra những sản phẩm chất lượng cao.
Đại diện HTX Hợp Phát cho biết sản phẩm chủ lực của HTX là vàng mã (chế biến từ gỗ luồng) xuất khẩu. Mỗi năm, doanh thu của đơn vị đạt 10-12 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 150 lao động với mức thu nhập 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh HTX Hợp Phát, xã Xuân Phú còn có 3 HTX hoạt động trong lĩnh vực chế biến luồng. Các HTX đều đang phát huy rất tốt lợi thế nguồn nguyên liệu của địa phương để phát triển sản xuất, tạo việc làm cho thành viên.
Ông Phạm Bá Trọng, Chủ tịch UBND xã Xuân Phú, cho biết: "Các HTX, doanh nghiệp chế biến luồng đang góp phần tiêu thụ trên 70% sản lượng luồng của xã và tạo việc làm cho hơn 400 lao động".
HTX Thanh Xuân (xã Thanh Xuân) là một trong hai HTX được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ thành lập để tận dụng thế mạnh của địa phương. Đến nay, HTX đang có 56 hộ thành viên, sản xuất trên diện tích 94 ha rừng luồng.
Quan Hóa là huyện có diện tích rừng luồng lớn nhất tỉnh Thanh Hóa |
Đặc biệt chú trọng công tác an toàn
Để tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp phát triển sản xuất, huyện Quan Hóa đã chủ động đẩy mạnh công tác phục tráng rừng luồng, xây dựng, nâng cấp các tuyến đường lâm sinh để thuận lợi cho hoạt động thu mua, vận chuyển.
Sản xuất và chế biến luồng là hoạt động đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp và có độ nguy hiểm cao. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn được các HTX đặc biệt chú ý.
Về sản xuất, các hộ thành viên HTX được phổ biến, đào tạo thường xuyên về kỹ thuật trồng, chăm sóc và được cấp chứng chỉ vùng luồng thâm canh, góp phần nâng cao chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Về khai thác, các hộ trồng luồng được hướng dẫn phương thức khai thác luồng bền vững. Khai thác luồng đòi hỏi nhiều công sức và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Vì vậy, các HTX luôn giám sát chặt chẽ, trang bị đồ bảo hộ, đặc biệt là găng tay, cho người lao động để tránh xảy ra thương tích.
Về chế biến, bên cạnh đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình vận hành máy móc, công tác xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng được các HTX trên địa bàn quan tâm hơn.
Ông Cao Văn Khôi, Giám đốc HTX Thanh Xuân, chia sẻ: "Việc sản xuất giấy và vàng mã từ gỗ luồng phải sử dụng rất nhiều hóa chất, trong đó, NaOH (còn gọi là xút) được sử dụng nhiều nhất. Vì vậy, nếu không được xử lý tốt, nguy cơ ô nhiễm rất cao".
Kể từ năm 2015 đến nay, các HTX trên địa bàn huyện Quan Hóa đã được hỗ trợ tốt về cả điều kiện phát triển sản xuất và các hoạt động xử lý chất thải, đảm bảo ATVSLĐ cho thành viên, người lao động.
Hưng Nguyên