HTX Thương mại vận tải chè Tuấn Băng (HTX Tuấn Băng), xã Nà Chì, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang là một trong những đơn vị có đóng góp rất lớn vào công tác xoá đói giảm nghèo ở địa phương nói chung và cho người lao động ở địa phương nói riêng.
HTX Tuấn Băng chú trọng xây dựng thương hiệu Tuấn Băng trà (Ảnh: TL) |
Xây dựng thương hiệu trà
HTX Tuấn Băng được chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã mới vào năm 2015, đây có lẽ là một dấu mốc rất quan trọng để HTX có sự phát triển như ngày nay.
Nhớ lại thời điểm chưa chuyển đổi, ông Phan Thanh Tuấn, Giám đốc HTX Tuấn Băng bộc bạch, do HTX không có mặt bằng nên xưởng chè được đặt tại khuôn viên nhà ở của gia đình. Mới đây, HTX đã thuê mặt bằng gần 4.000 m2 để xây dựng xưởng chế biến chè nhằm đáp ứng nhu cầu thu mua và chế biến cho người dân trên địa bàn.
Nhà xưởng được HTX đầu tư các thiết bị sấy, sao, vò, sàng chè với tổng trị giá gần 3 tỷ đồng. Từ khi đổi mới công nghệ sản xuất chè, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu “Tuấn Băng trà”, một sản phẩm của chè Shan tuyết Nà Chì. Thị trường tiêu thụ chè của HTX đã được mở rộng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
HTX Tuấn Băng là cơ sở thu mua chè lớn nhất tại xã Nà Chì, mỗi ngày HTX thu mua gần 3 tấn chè tươi cho người dân. Hiện tại, HTX đã và đang đưa ra thị trường 3 sản phẩm chính: Chè xanh Shan tuyết, chè vàng phơi nắng và chè đen Shan tuyết. Chè “Tuấn Băng trà” mang hương vị của vùng núi cao: Chè có vị đắng chát, hương thơm đặc trưng của núi rừng, nước xanh sóng sánh ánh vàng.
Song song với công tác sản xuất kinh doanh, HTX Tuấn Băng thường xuyên, quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực, chăm lo đến đời sống của công nhân. Hiện tại, HTX có 30 lao động, hầu hết là lao động địa phương, mỗi tháng thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người. Do đó, nhiều lao động đã làm việc, gắn bó với HTX nhiều năm nay. Với nguồn thu nhập ổn định khi làm việc ở HTX đã góp phần cho lao động địa phương có thêm kinh phí để trang trải cuộc sống.
Anh Hoàng Văn Thụ, thôn Tân Sơn (Nà Chì) chia sẻ, anh làm việc tại HTX đã hơn 10 năm nay, công việc đều, thu nhập so với mặt bằng chung ổn định, nên anh cũng toàn tâm toàn ý gắn bó với HTX.
Ngoài duy trì hoạt động kinh doanh của HTX, ông Tuấn thường xuyên vận động các thành viên HTX, người lao động làm tốt trách nhiệm xã hội, tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương.
Giúp người dân xoá đói giảm nghèo
Để có được nguồn nguyên liệu cho sản xuất, HTX đã ký hợp đồng liên kết với 281 hộ dân tại 6 thôn bản xã Nà Chì, diện tích 189 ha, sản lượng 567 tấn chè tươi/năm. Vùng nguyên liệu này đã được trung tâm chất lượng nông lâm thuỷ sản vùng I cấp giấy chứng nhận Vietgap ngày 26/12/2017. Bên cạnh đó, liên kết hợp đồng với 255 hộ tại 4 thôn xã Nà Chì diện tích 195 ha chè hữu cơ, sản lượng dự kiến 600 tấn/năm. Giá thu mua tại vườn từ 8.000 lên 10.000 đồng/kg chè búp tươi.
Nguồn nguyên liệu được HTX thu mua của người dân địa phương (Ảnh: TL) |
Năm 2018 HTX tiếp tục ký hợp đồng liên kết với 505 hộ dân tại 11 thôn bản xã Quảng Nguyên quản lý vùng nguyên liệu chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ hơn 296 ha, sản lượng dự kiến 870 tấn/năm, đã được cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ ngày 27/12/2018…
Có thể nói, có được vùng nguyên liệu này, HTX Tuấn Băng đã thực hiện giải pháp thiết thực mang tính bền vững lâu dài.
Theo đó, vùng nguyên liệu của HTX và thu mua của nông dân được trồng tập trung nhiều nhất tại các xã lân cận, vùng núi đất, có khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với sự phát triển và cho năng suất cao. Do đó, đây là lợi thế lớn nhất cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho HTX.
Về lao động, HTX tuyển dụng lao động trực tiếp trong sản xuất chế biến, chủ yếu người lao động địa phương có tay nghề kỹ thuật cao, có trình độ học vấn, được đào tạo có thể tiếp cận tốt với các dây chuyền thiết bị hiện đại.
Để đảm bảo cho quá trình sản xuất được ổn định lâu dài bền vững, HTX đã tham quan khảo sát thị trường và đã có những chiến lược và kế hoạch tiêu thụ sản phẩm lớn. Đảm bảo sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty lớn trong và ngoài nước đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đối tác liên doanh nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan…
Ngoài ra, để phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Nà Chì, ông Tuấn xác định công tác truyền thông, giới thiệu sản phẩm chè đến với thị trường người tiêu dùng là rất quan trọng. Ngoài giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội, HTX cũng đã mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại nhà và trung tâm huyện Xín Mần để giới thiệu cho du khách về sản phẩm đặc trưng của Nà Chì khi đến với vùng đất Hà Giang.
Ghi nhận những nỗ lực của HTX Tuấn Băng, UBND tỉnh, huyện trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen trong phong trào thi đua phát triển sản xuất tại địa phương.
Có thể nói, thành công của HTX Tuấn Băng đã góp phần vào phong trào thi đua phát triển kinh tế của địa phương, nhất là trong công cuộc xoá đói giảm nghèo. Đây cũng là động lực để HTX cố gắng, nỗ lực nhiều hơn trong việc đưa thương hiệu “Tuấn Băng trà” nói riêng và chè Shan tuyết Hà Giang nói chung ra thị trường trong nước và quốc tế.
Minh Phạm