Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Bản Luốc đã tập trung chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của địa phương; nâng cao giá trị kinh tế trên cùng diện tích đất canh tác, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.
Nhiều thành viên HTX Bình An đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng (Ảnh: TL) |
Sản xuất hiệu quả, cuộc sống no ấm
Năm 2017, HTX sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp thôn Bình An được thành lập với 52 thành viên, đại diện cho 54 gia đình trong thôn tham gia.
HTX An Bình thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo xã, huyện với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Theo đó, các thành viên đã tập trung chuyển đổi từ cây trồng truyền thống sang trồng rau màu và cây ăn quả như dưa hấu, dưa lê, dưa chuột, thanh long...
Anh Đặng Văn Quang, thành viên HTX Bình An phấn khởi cho biết, sau vài năm mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng rau, đậu và các loại dưa, anh nhận thấy giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa, ngô như trước đây. Đặc biệt, cây dưa hấu rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Bản Luốc, cho trái to, ngọt, nặng từ 4,5kg trở lên. Dưa hấu có thể trồng quanh năm, chất lượng quả lại cao hơn so với dưa hấu trồng ở một số vùng khác, nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng sang thanh long, anh Phàn Văn Chẳm, thôn Cao Sơn 2 đến nay có hơn 400 trụ thanh long, trong đó có 50 trụ được trồng từ trước đó, đã cho thu hoạch được 2 năm nay. Điểm mạnh là cây thanh long phát triển tốt ở vùng núi cao, đem lại thu nhập khá cho nhiều thành viên HTX Bình An.
Anh Chẳm chia sẻ, trước đây, trên diện tích đất này, gia đình anh chỉ trồng ngô, sắn, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau quá trình tìm hiểu, được sự giúp đỡ của địa phương và HTX Bình An trong cây giống, kỹ thuật chăm sóc, anh đã chuyển đổi sang trồng thanh long. Hơn nữa, cây thanh long là loại cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Bản Luốc. Hiện, cây đã cho thu hoạch, bình quân mỗi gốc cho từ 20 - 30 kg quả/năm.
Với định hướng sản xuất nông nghiệp sạch vừa đảm bảo sản phẩm an toàn, vừa bảo vệ sinh môi trường sinh thái nên gia đình anh Chẳm không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hay các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học khác mà chỉ sử dụng phân chuồng, phân xanh để bón cho cây. Do đó, chất lượng quả rất ngọt, màu sắc đẹp nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Với giá bán khoảng 35.000 đồng/kg, nhiều khi không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây thanh long mang lại, gia đình anh đã trồng thêm 350 trụ nữa. Đồng thời, anh chia sẻ kinh nghiệm trồng thanh long với nhiều hộ gia đình khác trong thôn với hy vọng cây trồng mới này sẽ trở thành "cây làm giàu” cho người dân nơi đây.
Đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới
Với 11 ha trồng các loại dưa và 15,6 ha cây rau, đậu quanh năm, kết hợp với chăn nuôi hàng hóa từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đem lại nguồn thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm cho HTX. Nhiều hộ thành viên trong HTX cũng xoá được cái đói, cái nghèo. Bộ mặt nông thôn mới nơi đây cũng khởi sắc với những ngôi nhà mái ngói khang trang, đường sá đi lại thuận tiện hơn…
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã thay đổi bộ mặt nông thôn mới, giúp người dân xoá đói giảm nghèo (Ảnh: TL) |
Trở về trước đó có thể nói, Bản Luốc là một xã nghèo, thuần nông với tỷ trọng nông, lâm nghiệp chiếm trên 80%. Người dân ở đây quanh năm chỉ trồng các loại cây như lúa, ngô, rau màu… năng suất chất lượng không cao. Do đó, những sản phẩm làm ra hầu hết chủ yếu tự cung, tự cấp cho gia đình. Thậm chí, một số hộ gia đình có những vụ không đủ lúa ăn.
Với diện tích đất nông nghiệp trên 2.100 ha, xã Bản Luốc đã vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi từ các loại cây lương thực kém chất lượng sang trồng chuyên canh rau, cây ăn quả và chè. Qua đó, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xoá đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện, ở các thôn Bình An, Bản Luốc, Thái Bình, xã đã vận động nhân dân tập trung trồng rau màu trên diện tích đất lúa kém hiệu quả. Đến nay, nhiều hộ đã mạnh dạn trồng rau chuyên canh, từng bước hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung. Theo thống kê, toàn xã có trên 146 ha rau màu các loại với năng suất cây trồng đạt 70 tạ/ha. Mùa nào thức nấy, từ su hào, bắp cải, bí đỏ, dưa chuột, dưa hấu,… đã đem lại mức thu nhập ổn định và cao hơn nhiều so với trước đây.
Những kết quả bước đầu đạt được trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bản Luốc là rất đáng khích lệ, khẳng định chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc khai thác, tận dụng tốt tiềm năng thế mạnh, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Phạm Minh