Đa số làng nghề ở Phú Yên đã trải qua lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khôi phục, phát triển làng nghề là một nội dung quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nông dân, đồng thời bảo tồn, phát huy bản sắc.
Tuy nhiên, hầu hết các làng nghề ở Phú Yên phát triển nhỏ lẻ, manh mún. Ngoài ra, chất thải rắn ở hầu hết các làng nghề chưa được thu gom và xử lý triệt để gây tác động xấu tới cảnh quan môi trường, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất. Nếu không có những biện pháp phát triển làng nghề phù hợp, kịp thời và cương quyết áp dụng các giải pháp quản lý và kỹ thuật thì ô nhiễm môi trường làng nghề càng gia tăng.
Kinh tế đi đôi với môi trường
Theo UBND tỉnh Phú Yên, tỉnh đã có 17 làng nghề được UBND tỉnh công nhận và 12 làng có nghề. Các làng nghề giải quyết việc làm cho 8.943 lao động với thu nhập bình quân đạt 1,820 triệu đồng/người/tháng.
Làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm tại thôn Mỹ Thạnh Tây (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) là ví dụ điển hình trong phát triển làng nghề bền vững khi thành lập được HTX Hòa Phong. HTX đã trực tiếp ký hợp đồng với công ty TNHH Tơ lụa Việt Nam để cung ứng trứng tằm và thu mua kén của các hộ thành viên, nhờ đó các hộ thành viên đã mạnh dạn đầu tư sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hòa Phong, cho biết: Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng và để cụ thể hóa trong thực hiện chương trình “Mỗi địa phương, một sản phẩm” theo kế hoạch của huyện Tây Hòa, HTX đã tạo ra sản phẩm rượu tằm, mở đường cho hướng tiêu thụ mới, tạo cơ hội duy trì và phát triển cho làng nghề.
![]() |
HTX Hòa Phong giúp làng nghề trồng dâu nuôi tằm ở địa phương phát triển |
Từ tháng 10/2017, HTX hoàn tất đầu tư xây dựng nhà kho, mua sắm dụng cụ vật tư cũng như các thủ tục, bắt đầu đi vào sản xuất. Đến tháng 6/2018, HTX đã tiêu thụ được 2.046 lít rượu, tổng doanh thu đạt 327,6 triệu đồng. HTX đã trực tiếp thu mua tằm với giá 100.000 đồng/kg, tăng thêm 20.000 đồng/kg so với trước đây, nên các thành viên rất phấn khởi và mạnh dạn đầu tư nuôi tằm để cung ứng nguồn nguyên liệu cho HTX.
Đặc biệt trong quá trình sản xuất, HTX luôn chú trọng chế biến sâu, liên kết theo chuỗi và áp dụng khoa học kỹ thuật nên hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, sản phẩm làm ra bảo đảm an toàn thực phẩm.
Làng nghề đan lát Vinh Ba (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) trước đây cũng có quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm chủ yếu là rổ, rá, vỉ tráng bánh… Đến năm 2005, sự ra đời của cơ sở đan lát thủ công mỹ nghệ Đồng Nhất đã đánh dấu bước ngoặt trong quá trình mở rộng sản xuất. Cùng với những nguyên liệu truyền thống như tre, nứa, lá bương, cọng dừa… nhưng làng nghề đan lát Vinh Ba đã tạo ra được nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao hơn như giỏ xách, giỏ đựng hoa, lẵng hoa, giỏ đựng trái cây… phục vụ cho du lịch, hội nghị, làm quà tặng.
Đặc biệt, việc tận dụng nguyên liệu để làm ra nhiều loại sản phẩm có giá trị khác nhau và việc đầu tư máy móc của cơ sở Đồng Nhất không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn hạn chế ô nhiễm môi trường làng nghề.
Mục tiêu cụ thể
Tỉnh Phú Yên nhận thấy việc phát triển làng nghề cần đi đôi với bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường làng nghề, tỉnh đã lồng ghép chương trình bảo vệ môi trường làng nghề với các chương trình khác như: chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề sản xuất và xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề như hệ thống tiêu thoát nước, các điểm thu gom, xử lý chất thải...
Tỉnh Phú Yên tập trung triển khai các mô hình công nghệ và biện pháp kỹ thuật nhằm định hướng cho việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; trong đó lựa chọn, xây dựng và áp dụng thử nghiệm các mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch, thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường để nhân rộng ra các địa phương có các loại hình làng nghề tương tự.
Công tác truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực bảo vệ môi trường làng nghề cũng sẽ được tăng cường; thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về quản lý môi trường làng nghề cho cán bộ các cấp; đồng thời mở các khóa đào tạo, tập huấn về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong làng nghề...
Trong Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tỉnh đã tính đến việc chọn các tour du lịch đến một số làng nghề ven biển gắn với khám phá các điệu hò bá trạo, hát bài chòi và khuyến khích người dân làm hàng mỹ nghệ từ vỏ hải sản. Do vậy, công tác bảo vệ môi trường làng nghề là hết sức quan trọng.
Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020 của tỉnh Phú Yên cũng đã nêu rõ, đến năm 2020, sẽ quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề và cơ bản kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề; không phát sinh làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới; 100% các cơ sở sản xuất còn tồn tại trong các khu vực nông thôn được di dời vào cụm tiểu thủ công nghiệp-làng nghề, hoặc chấm dứt hoạt động; 100% các khu, cụm tiểu thủ công nghiệp-làng nghề tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường...
Huyền Trang