Năm 2017, được sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, gia đình ông Lương Văn Quang bắt tay vào xây dựng mô hình sản xuất rau ăn lá theo hướng hữu cơ. Sau gần 2 năm triển khai, mô hình đang đem lại giá trị vượt trội về kinh tế, đồng thời, có sự ưu việt về môi trường, an toàn thực phẩm.
Đổi mới tư duy
Chia sẻ về mô hình, ông Quang phấn khởi cho hay: “Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, tôi xây dựng khu nhà lưới rộng hơn 400 m2 để sản xuất các loại rau cải ngọt, cải xanh, mồng tơi, rau dền, khổ qua…. Trong quá trình canh tác, đất phải được làm kỹ, xử lý vôi bột, sử dụng phân chuồng ủ hoai, xử lý nấm vi sinh Trichoderma, kết hợp tưới thúc bổ sung dinh dưỡng cho rau”.
Khi xuất hiện sâu bệnh, phải vệ sinh sạch sẽ vườn rau, thu gom những cây, lá hư vào một nơi để tiêu hủy; luân canh các loại rau khác nhau góp phần giảm thiệt hại cho vụ sau. Còn khi sâu hại rau nhiều phải tiến hành phun xịt các chế phẩm gừng, tỏi, ớt ngâm với rượu; sử dụng các bẫy dính, vợt để bắt sâu trưởng thành.
Theo ông Quang, sản xuất hữu cơ khiến đất trồng nhanh khôi phục, màu mỡ hơn, giúp rau sinh trưởng rất tốt, năng suất bảo đảm, chi phí đầu vào cho vụ rau được giảm thiểu, giá bán các loại rau luôn ở mức cao, thị trường tiêu thụ luôn ổn định, cung không đủ cầu.
“Hiện nay, với giá bán khoảng 20.000 đồng/kg rau sạch, trung bình mỗi tháng gia đình tôi xuất khoảng hơn 400 kg rau sạch, lợi nhuận trên 20 triệu đồng. Môi trường sinh thái được bảo đảm cũng khiến sức khỏe của gia đình tôi được nâng cao”, ông Lương Văn Quang chia sẻ.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá, với mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ năng suất sẽ giảm 30 - 40% so với trồng rau sử dụng phân vô cơ, nhưng bù lại môi trường sống được bảo đảm, chất lượng rau rất tốt, giàu dinh dưỡng, được thị trường ưa chuộng, giá bán thì cao, đầu ra ổn định.
Điểm mấu chốt trong sản xuất hữu cơ là nông hộ không được phép dùng bất kỳ hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, mà hoàn toàn 100% bằng hữu cơ từ phân bón đã được xử lý, ủ hoai mục, thuốc trừ sâu hoàn toàn được bào chế từ tự nhiên.
Bà Rịa - Vũng Tàu đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ |
Gia tăng hiệu quả
Cũng đang là điển hình trong sản xuất hữu cơ của tỉnh, HTX Ca cao hữu cơ Châu Đức (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) hiện có 30 thành viên, canh tác trên 70 ha. Nhờ sản xuất khoa học, năng xuất và chất lượng sản phẩm của HTX luôn được bảo đảm, hiện đã xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản.
Anh Hồ Sĩ Bảo - Giám đốc HTX, cho biết HTX được thành lập từ năm 2017 với mục tiêu tập hợp người nông dân trồng ca cao theo hướng hữu cơ. Vào HTX, nông dân canh tác theo một quy trình kỹ thuật, phân bón, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, mang lại những lợi ích vượt trội về kinh tế và môi trường.
“Trung bình mỗi ha ca cao, với sản lượng khoảng hơn 2 tấn hạt, trừ chi phí, thành viên HTX thu lãi khoảng hơn 100 triệu đồng. Việc sản xuất hữu cơ cũng giúp HTX giảm thiểu tối đa lượng phát thải hóa chất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao sức khỏe cho thành viên, nông dân liên kết”, anh Bảo nhấn mạnh.
Ngoài sản phẩm ca cao, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hồ tiêu cũng là sản phẩm đang được một số hộ dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã phối hợp triển khai dự án “Phát triển hồ tiêu bền vững” trên địa bàn hai huyện Châu Đức và Xuyên Mộc, với tổng diện tích gần 1.300 ha.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2020 - 2022, tỉnh tiếp tục chú trọng phát triển vùng sản xuất hữu cơ trên một số cây trồng gồm lúa, hồ tiêu, ca cao, rau các loại, cây ăn quả. Đồng thời, sẽ thực hiện 5 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên 3 loại cây trồng với diện tích 1,9 ha, sản lượng khoảng 10 tấn/năm.
Hưng Nguyên