Thời gian qua, tại vùng miền núi tỉnh Phú Yên, để giải quyết những khó khăn trong thực hiện tiêu chí 13 trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) - hình thức tổ chức sản xuất hoạt động hiệu quả, chính quyền ở đây đã thành lập mới nhiều HTX.
Gỡ khó cho các xã nông thôn mới
Từ năm 2017, trong 3 huyện miền núi của tỉnh thì 2 huyện Sơn Hòa, Sông Hinh gặp khó khăn với tiêu chí 13 vì không có HTX. Theo Văn phòng Điều phối NTM của tỉnh, 3 huyện này có 6/41 xã đạt chuẩn NTM, gồm 3 xã ở huyện Sông Hinh là Đức Bình Tây, Sơn Giang và Ea Ly; 2 xã thuộc huyện Sơn Hòa là Sơn Hà, Sơn Nguyên; 1 xã huyện Đồng Xuân là Xuân Sơn Nam.
Năm 2018, các địa phương này đăng ký 3/8 xã về đích NTM gồm xã Sơn Xuân, Sơn Định ở huyện Sơn Hòa và xã Xuân Sơn Bắc của huyện Đồng Xuân. Hiện 3 xã NTM ở huyện Sông Hinh bị rớt tiêu chí, còn 2 xã đăng ký về đích NTM năm nay ở huyện Sơn Hòa cũng khó thực hiện như mục tiêu. Nguyên nhân là do các xã này chưa có HTX.
Ông Lê Thanh Lam - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Do sự thay đổi trong xét tiêu chuẩn xã NTM đối với tiêu chí 13 nên nhiều xã ở vùng miền núi bị rớt tiêu chí này. Giai đoạn 2010 - 2015, thực hiện theo Quyết định 58/QĐ- UBND ngày 27/11/2015 của UBND tỉnh, xã chỉ cần có HTX, Tổ hợp tác hoặc mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giữa nông dân với doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Nhưng giai đoạn 2016 - 2020, Quyết định 1980/ QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM lại yêu cầu xã phải có HTX hoạt động theo Luật HTX 2012 và có mô hình liên kết sản xuất bền vững.
Nhiều năm nay, các xã miền núi đã có mô hình liên kết trồng mía, sắn với các nhà máy chế biến bảo đảm bền vững. Đây chính là thuận lợi giúp các xã miền núi hoàn thành được 50% yêu cầu của tiêu chí 13. Hạn chế lớn nhất của các xã này là khó thành lập và duy trì hoạt động của các HTX.
Nhiều HTX ở Phú Yên không ngừng cải thiện các dịch vụ để phát triển kinh tế hộ xã viên |
Chú trọng chất lượng
Trước đó, 3 huyện này có gần 25 HTX, nhưng đến năm 2017, số HTX giải thể tăng mạnh, rơi chủ yếu vào 2 huyện Sơn Hòa, Sông Hinh. Hai địa phương này từ 14 HTX chỉ còn 3 HTX hoạt động. Vì vậy, thành lập mới HTX là cách duy nhất giúp các xã hoàn thành được tiêu chí 13.
Theo ông Nguyễn Lý Nguyên - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã hỗ trợ kinh phí cho các địa phương xây dựng các mô hình sản xuất, hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực cho HTX. Trong đó, huyện Sông Hinh đã giải ngân hơn 900 triệu đồng và huyện Sơn Hòa hơn 1,4 tỷ đồng.
Nhờ đó đến nay, huyện Sơn Hòa đã thành lập mới 2 HTX tại 2 xã đăng ký về đích NTM năm 2018. Còn huyện Sông Hinh thành lập mới 3 HTX. Đến cuối năm 2018, huyện Sông Hinh phấn đấu thành lập thêm 3 HTX tại các xã Ea Bar, Sông Hinh và Ea Lâm.
Tuy đã thành lập HTX ở các xã miền núi, song chất lượng hoạt động của những đơn vị này mới là điều quyết định đến kết quả xét hoàn thành tiêu chí 13 trong thời gian tới.
Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Từ năm 2010 - 2017, địa phương có 9 HTX, nhưng chỉ có 2 HTX hoạt động hiệu quả. Các HTX còn lại hoạt động thua lỗ, không hỗ trợ nhiều cho sản xuất nông nghiệp của người dân nên địa phương đã tiến hành giải thể hoặc chuyển thành Tổ hợp tác. HTX hoạt động không hiệu quả nhiều năm liền dẫn tới việc người dân không muốn tham gia vào HTX.
Vì vậy, quan điểm của huyện Sơn Hòa là không thành lập HTX chỉ để đáp ứng đủ thủ tục với tiêu chí 13, mà các HTX này phải mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Minh Duyên