Mô hình thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của THT Tà Là Cáo đang thu hút 50 thành viên tham gia. Hiện nay, sản phẩm của THT khá đa dạng về mẫu mã, đẹp mắt. Ngoài thị trường có gì, các thành viên đều làm được cái đó như ví thêu, balo, túi đựng máy tính, túi xách, khăn trải bàn, móc chìa khóa, quần áo…
Sản phẩm thân thiện môi trường
Chị Giàng Thị Mẩy, Tổ trưởng THT chia sẻ, khi vào THT chị em được học thêm nghề dệt thổ cẩm kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái tại bản. Giờ đây, chị em không phải mất công mang các sản phẩm đến các điểm du lịch chèo kéo khách mà được khách vào tận nơi xem quy trình sản xuất. Nếu khách ưng thì mua.
“Hàng thổ cẩm đẹp, độc đáo, chất liệu thân thiện nên rất nhiều người mua. Có khách vào THT mua nhưng hàng hết lại hẹn dịp khác quay lại”, chị Giàng Thị Mẩy cho biết.
Để tạo nên những tấm vải thổ cẩm độc đáo, các thành viên THT bắt đầu công đoạn dùng kỹ thuật in, vẽ sáp và thêu với nhiều họa tiết khác nhau. Sau đó, vải được nhuộm chàm tự nhiên. Sau nhiều lần ngâm, nhuộm, khi vải đã có màu sẫm thì đem nhúng vào nước sôi, sáp ong sẽ chảy ra để lại những hoa văn. Các thành viên sẽ thêu theo những hoa văn đó.
Cây lanh là nguyên liệu chính để tạo thành những tấm vải thổ cẩm. |
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mông khá đặc sắc từ việc trồng lanh làm sợi se chỉ và nhuộm màu đều không sử dụng máy, nguồn nguyên liệu tự nhiên đã tạo ra các sản phẩm thổ cẩm mang tính riêng biệt. Do đó, vải dệt thổ cẩm là kết tinh của những sáng tạo, tài trí con người trong hoạt động sản xuất, là sự hài hòa giữa tự nhiên với con người, cây cỏ.
“Nếu vải thổ cẩm nhuộm màu công nghiệp thì sẽ rất nhanh phai và độc hại cho các chị em. Trong khi mua hóa chất về nhuộm cũng rất đắt nên chị em vẫn duy trì phương pháp dệt thổ cẩm thủ công”, chị Mẩy tâm sự.
Theo các thành viên, quy trình sản xuất thổ cẩm thủ công tuy có mất thời gian nhưng toàn bộ nguyên liệu và quy trình sản xuất đều thân thiện môi trường. Quá trình sản xuất không gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân và môi trường nên được các ngành chức năng đánh giá cao vì có tính bền vững.
Đưa sản phẩm vươn xa
Thời gian vừa qua, sản phẩm vải dệt thổ cẩm của THT được hỗ trợ quảng bá trên nhiều kênh thông tin; xây dựng thương hiệu, tạo logo riêng; tích cực giới thiệu tại các sự kiện thương mại hội chợ, triển lãm…
Gần đây nhất, THT đã mang hàng trăm mẫu thổ cẩm truyền thống độc đáo, rực rỡ sắc màu cùng những sản phẩm lưu niệm xinh xắn từ chất liệu thổ cẩm đến trưng bày tại Hải Phòng, thu hút nhiều người tới thăm quan, mua sắm.
Không chỉ vậy, các thành viên THT còn trình diễn trực tiếp các công đoạn tạo nên sản phẩm thêu truyền thống để nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo chị Giàng Thị Mẩy, thông qua các buổi xúc tiến thương mại, các sản phẩm của THT đều nhận được phản hồi rất tích cực từ phía khách hàng, nhất là sản phẩm lưu niệm được nhiều bạn trẻ ưa thích.
Để sản phẩm dễ dàng đến tay người tiêu dùng, bất cứ khi nào có cơ hội giới thiệu sản phẩm ra ngoại tỉnh, THT đều cố gắng tham dự. Nhờ vậy mà hiện nay, khách hàng của THT chủ yếu ở ngoại tỉnh. Sản phẩm thêu dệt truyền thống Tà Là Cáo đã tới được khá nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Chị em phụ nữ có thể nhận sản phẩm về nhà làm để tiết kiệm thời gian. |
Mô hình của THT đã được đánh giá cao khi không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ Mông. Chính vì vậy, THT đã nhận được sự hỗ trợ của một tổ chức nước ngoài trong việc mở rộng thị trường đến các tỉnh thành trong cả nước.
Hiện nay, mỗi tháng một lần, THT nhận hợp đồng từ các đối tác ở Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai... sau đó phân công các thành viên cùng làm. Để phát huy trí tuệ và tính năng động của các thành viên, mỗi lần nhận hợp đồng đặt hàng, THT lại cùng thành viên bàn bạc, thống nhất cách làm, thời gian để có thể tạo ra sản phẩm mẫu vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng, vừa không mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc Mông.
Sản phẩm thêu dệt thổ cẩm thủ công rất đẹp, nhưng giá đắt. Đây cũng là nguyên nhân khiến khách hàng khó tiếp cận. Vì vậy, để giảm giá thành, có những sản phẩm, thành viên chỉ gia công 1-2 họa tiết. Ví như một chiếc ba lô, chất liệu thổ cẩm được thêu 1-2 họa tiết sẽ có giá rẻ hơn một chiếc ba lô được thêu toàn bộ, đồng thời giảm thời gian hoàn thiện.
Đến thời điểm hiện nay, doanh số của THT thêu Tà Là Cáo đã bảo đảm thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng cho 50 thành viên. Việc THT hoạt động hiệu quả không chỉ mang ý nghĩa mở hướng làm ăn kinh tế mà còn giúp chị em phụ nữ dân tộc Mông vượt qua những định kiến xã hội.
Như Yến