Hoa tươi, người... "héo"
Theo khảo sát của Thời báo Kinh doanh, tại vựa hoa Tây Tựu (Quận Bắc Từ Liêm) và Hạ Mỗ (Huyện Đan Phượng), dù đã là 24 tháng Chạp nhưng thị trường khá ảm đạm, đìu hiu, chỉ lác đác thương lái đến xem hoa và số lượng mua cũng nhỏ giọt, trái ngược với không khí tấp nập mọi năm.
Đầu tháng Chạp, người trồng hoa làng hoa Tây Tựu, Hạ Mỗ phấn khởi vì “ được mùa, được giá”, cầm chắc phần thắng và kỳ vọng lãi lớn để có một cái Tết ấm no. Thế nhưng, càng đến gần Tết, tình hình càng khốn đốn khi Covid-19 bất ngờ bùng phát lần thứ 3 và diễn biến ngày càng phức tạp. Dịch bệnh khiến hoa khó tiêu thụ và vận chuyển, thương lái hủy đơn hàng, người làng hoa rơi vào cảnh "hoa cười, người khóc".
Người dân Tây Tựu vẫn tiếp tục chăm sóc vụ hoa Tết dù giá xuống tận đáy. |
Nhìn những luống hoa tự tay chăm bẵm cả năm trời nay nguy cơ bỏ không, bà Nguyễn Thị Anh ở phường Tây Tựu cho biết, trong mấy ngày nay, gia đình bà liên tục giảm giá bán đối với mấy sào hoa cúc. Nhưng các thương lái đều từ chối không đến mua vì sợ thị trường không tiêu thụ được.
“Buồn lắm, Tết năm nay buồn lắm, ai đời hoa cúc 1 nghìn đồng/ bông trong khi tầm này năm ngoái đã bán được 4-5 nghìn đồng/bông. Làm cả năm chỉ trông chờ vào vụ Tết, nhà nào cũng trồng 4-5 sào, người trồng ly năm nay tính lỗ hàng tỷ, người ít thì 3-4 tỷ, người nhiều cũng vài chục tỷ. Người trồng lấy đất đai, nhà cửa thế chấp cho ngân hàng, vay vốn làm ăn nhưng một năm bị Covid-19 hai lần thì không mang nợ cũng buộc phải mang nợ”, bà Anh rầu rĩ nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, hoa cúc tại vườn có giá từ 1 nghìn đồng/bông. Hoa hồng có giá 1- 1.5 nghìn đồng/bông. Hoa ly dao động từ 25-35 nghìn đồng/cành... So với cách đây nửa tháng, giá hoa đã giảm gần một nửa. Đây có thể coi là mức giá thấp kỷ lục từ trước tới nay.
Hoa cúc tại vườn có giá từ 1 nghìn đồng/bông, người dân không khỏi lo lắng. |
Theo thống kê, hiện phường có 287,4ha đất trồng hoa. Tỷ lệ các hộ gia đình trồng hoa trên địa bàn phường chiếm 57%. Để mở rộng sản xuất, bà con nhân dân trên địa bàn phường còn thuê đất ở các huyện khác trên địa bàn Hà Nội như Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Mê Linh… với tổng diện tích 412ha để trồng hoa.
Ông Công ông Táo đã về trời rồi nhưng vẫn còn tới 2/3 diện tích hoa chưa có người mua, nhiều nhà vườn bỏ mặc cho hoa nở hoặc cắt, đem vào tận các chợ đầu mối, bán giá rẻ như cho, chỉ gỡ gạc chút vốn. Dịch bệnh phức tạp, người dân thắt chặt chi tiêu, thương lái buộc phải hủy một nửa đơn bởi càng ôm nhiều hàng rồi lại ế ẩm.
Một năm công cốc
Cũng như bà Anh, gia đình ông Nguyễn Văn Tùng (Hạ Mỗ) dồn lực cho vụ hoa Tết nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ trắng tay. Dự kiến gia đình ông sẽ cung cấp ra thị trường gần 1 mẫu hoa ly, tương đương 5 vạn bông nhưng hiện tại mới có 2 vạn bông xuất vườn.
Ông Tùng nhẩm tính nếu không phát sinh ổ dịch, giá hoa ly sẽ dao động khoảng 45 nghìn đồng/cành, trừ chi phí công nhân, giống, phân bón… người trồng có thể thu lãi hơn 10 nghìn đồng/cành. Gia đình có 2 mẫu hoa, vụ Tết cung cấp 5 vạn cây, ước tính thu 20 tỷ. Nhưng mọi kịch bản, viễn cảnh thay đổi chỉ sau một đêm.
“Mình phải chấp nhận thôi, làm nông nghiệp cũng như canh bạc, mất mùa được giá, còn năm nay được mùa thì lại gặp Covid-19 nên chỉ được 35 nghìn đồng/cành, thậm chí thấp hơn", ông Tùng buồn rầu nói và cho biết, vào thời điểm này năm ngoái, gia đình ông đang tất bật cắt cả nghìn bông cho thương lái mà không xuể.
Năm nay, ảnh hưởng của dịch nên thương lái vùng Quảng Ninh, Hải Dương đồng loạt hủy đơn, giảm số lượng, tiểu thương đến mua còn thưa hơn ngày thường, ông phải huy động các mối quen, tìm kiếm mối mới, tuy nhiên giá chỉ ở mức hòa vốn, không có nhiều lãi. "Một năm không công!”, ông Tùng thở dài.
Đã trải qua 15 năm sương gió thương trường, trải qua nhiều mùa hoa biến động nên người đàn ông trung niên có phần bình tĩnh hơn trước sóng gió nhưng đôi mắt vẫn thoáng buồn và lo lắng. Với những nông dân mới trong nghề trồng hoa chưa có nhiều mối quen thì quả thực rất khó thống kê con số lỗ cụ thể.
Thương lái chỉ lấy hàng số lượng nhỏ, không đánh ô tô đế chở vì sợ ế. |
May mắn hơn bà Anh, ông Tùng, gia đình bà Bùi Thị Mai (P. Tây Tựu) chỉ có 2 sào hoa cúc dù giá hoa giảm tương đối nhiều song chị đã đẩy hàng trước 23 tháng Chạp, không bị tồn hàng, ít nhất cũng thu hồi vốn. Hôm nay, bà Mai đang cắt mầm, ươm mầm cho vụ hoa đầu xuân phục vụ các dịp lễ, lễ hội trong đền, chùa.
“Chỉ mong sao ra Tết Covid-19 sẽ được kiểm soát để mọi thứ trở lại bình thường, chứ nông dân khổ quá rồi”, bà Mai nói.
Dù còn những khó khăn bộn bề nhưng người làng Tây Tựu, Hạ Mỗ vẫn quyết bám trụ, tiếp tục ươm những mầm xanh, chờ “mùa xuân mới” không Covid - 19 và những điều tốt đẹp và bình an đến với tất cả người dân Việt Nam và nhân loại.
Bà Nguyễn Thị Anh ở phường Tây Tựu rầu rĩ chia sẻ về một năm biến động của người trồng hoa. |
Những vựa hoa đang cười, còn người dân đang khóc. |
Người dân thu hoạch, bán gỡ gạc chút vốn. |
Vựa hoa ly lớn Hạ Mỗ cũng ảm đạm, đìu hiu dù chỉ còn 1 tuần nữa là Tết. |
Trồng hoa ly cần đầu tư vốn nhiều, kỳ công chăm sóc. |
Người dân dùng túi nilon để bọc đầu bông, giữ hoa nở đúng dip Tết. |
Hoa được cắt về chờ... thương lái đến đón. |
Dù những khó khăn bộn bề nhưng người làng Tây Tựu, Hạ Mỗ vẫn quyết bám trụ, tiếp tục ươm những mầm xanh. |
Mong chờ một “Mùa xuân mới” không Covid - 19, tốt đẹp và bình an hơn cho tất cả người Việt Nam. |
Xuân Mai