Phó Chủ tịch UBND phường Tây Tựu, ông Bùi Trung Hòa, cho biết: "Làng Tây Tựu bắt đầu phá lúa trồng hoa vào khoảng những năm 1995. Từ đó đến nay, diện tích trồng hoa ngày càng lớn. Đến nay, toàn xã có khoảng trên 500 ha, riêng làng Tây Tựu chiếm hơn nửa, khoảng hơn 300 ha. Vì diện tích trồng hoa lớn, nên hầu hết người trồng hiện tại đều sử dụng máy để phun thuốc BVTV".
Hoa tươi, người héo
Người dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, phun thuốc sâu bằng máy khiến công lao động giảm, năng suất cao hơn. Tuy nhiên, hiện đại lại thành ra… hại sức khỏe. Việc phun thuốc bằng máy, với mật độ dày đặc, trung bình 2 - 3 lần/tuần, khiến môi trường sống của làng Tây Tựu đang bị ảnh hưởng tiêu cực.Chị Phạm Thị Liên (thôn 1, xã Tây Tựu), cho biết: "Quanh năm suốt tháng, hàng chục hộ dân trong làng sống chung với mùi thuốc trừ sâu. Ngày bình thường còn đỡ, vào những vụ lễ Tết thì không thể chịu nổi. Những hộ ở gần các vựa hoa giờ nhà nào cũng lắp cửa kính, đóng kín mít suốt ngày vì mùi thuốc".
Bác Minh, một người dân Tây Tựu, cũng bức xúc nói: "Nhà tôi sống gần cánh đồng hoa, cứ hôm nào chủ vườn phun thuốc là cả nhà lại khốn khổ. Có hôm các cháu sang chơi, thấy mùi thuốc sâu nồng nặc bay vào nhà, tôi lại phải đưa các cháu về vì sợ mùi thuốc ảnh hưởng sức khỏe các cháu".
Không chỉ không khí, nguồn nước kênh mương trong vùng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều năm trở lại đây, hệ thống kênh mương trong vùng thường có một màu đen, mùi hôi khó chịu, tôm cá, thậm chí là bọ gậy cũng không sống nổi.
Người dân trong làng cho biết nước kênh đỏ ngầu, bẩn đến nỗi không dám lấy nước tưới rau, vì tưới lên là rau bị héo. Điều này khiến nhiều người dân hoang mang vì vẫn đang phải dùng nước giếng khoan để sinh hoạt, nấu ăn hằng ngày.
Một điều dễ nhận thấy nữa là những người lao động phun thuốc với mật độ dày và khối lượng lớn, nhưng lại không hề có đồ bảo hộ. Hầu hết mọi người chỉ sử dụng khẩu trang bình thường, đeo ủng, mặc áo vải. Điều này cực kỳ nguy hiểm khi cơ thể thường xuyên phải tiếp xúc với thuốc BVTV.
Chưa thấy lối thoát
Tuy nhiên, dù tình trạng ô nhiễm còn khá nghiêm trọng, nhưng theo quan sát, tình trạng bao bì, chai lọ thuốc trừ sâu vứt bừa bãi, tràn lan tại cánh đồng, kênh mương đã không còn. Người dân đã có ý thức vứt bỏ, thu gom bao bì thải đúng nơi quy định.
Nhiều hộ trồng hoa đã chủ động dùng lưới và bạt để quây kín vườn hoa sau mỗi đợt phun thuốc, nhằm giảm bớt lượng thuốc hòa vào không khí… Đây là một điểm tiến bộ đáng khen ngợi trong thời gian gần đây.
UBND phường Tây Tựu cho biết: "Phường đã tổ chức tập huấn, cử cán bộ khuyến nông xuống vùng hoa để hướng dẫn nông dân chọn lựa các loại thuốc trừ sâu đúng quy định. Xử lý đúng cách lượng bao bì, thuốc tồn dư. Tuy nhiên, việc xử lý triệt để tình trạng này rất khó khăn. Vì diện tích đất nông nghiệp, không thể cấm người dân phun thuốc.
Thực tế, phần lớn người dân Tây Tựu đang có nguồn thu nhập chính từ những vườn hoa. Vì "miếng cơm, manh áo", họ chấp nhận sống chung với hoàn cảnh.
Tuy nhiên, không thể vì món lợi kinh tế mà bất chấp môi trường sống và sức khỏe. Chính quyền địa phương cần có những giải pháp để di dời những vườn hoa nằm xen kẽ với những khu đông dân cư, quy hoạch tập trung các cánh đồng hoa thành một vùng để dễ kiểm soát.
Về phía người dân, cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc, chấp hành quy định về an toàn sức khỏe, sử dụng thuốc đúng quy định, đúng liều lượng, thời gian, thu gom và xử lý bao bì thuốc trừ sâu đúng cách…
Ý thức của người trồng hoa trong việc sử dụng thuốc BVTV, không chỉ đảm bảo lợi ích, thu nhập cho bản thân, mà còn góp phần giúp làng nghề phát triển bền vững, đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe của những người dân trong vùng.
Văn Hiến