Đông Anh là huyện phía Bắc cửa ngõ Thủ đô có thị trường tiêu thụ rau rất rộng lớn. Mặc dù vậy, trước đây, trồng rau theo một quy cách an toàn bảo vệ môi trường (BVMT) chưa được người dân quan tâm. Để sản xuất, một lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu được người trồng sử dụng và không phải ai cũng dùng đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, điều này đang được dần thay đổi khi mô hình sản xuất rau an toàn của HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng, xã Bắc Hồng xuất hiện.
Đa dạng các giải pháp BVMT
Giám đốc Nguyễn Tuấn Hồng cho biết: Hiện tại, HTX Bắc Hồng đang sản xuất và bán các loại rau như rau muống, mồng tơi, cải xanh, cải ngọt, đậu bắp, mướp hương… Tất cả diện tích gieo trồng, sản xuất của HTX đều theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Hiện, nhiều HTX ở Thủ đô đã áp dụng các biện pháp BVMT bền vững song song với nhiệm vụ sản xuất. |
Với việc áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn giúp bà con kiểm soát được lượng phân bón, nước tưới cũng như tình hình sâu bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mà vẫn đảm bảo chất lượng, màu sắc của sản phẩm, trọng lượng đồng đều.
Điểm nổi bật ở đây là người trồng đã được trang bị kiến thức về quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn, kỹ thuật trồng các loại rau lấy hoa, củ, quả và ăn lá, kỹ thuật sử dụng màng phủ nông nghiệp cho một số loại rau.
"Các thành viên HTX luôn trồng trọt theo đúng yêu cầu kỹ thuật, ý thức BVMT, bảo vệ nguồn tài nguyên phục vụ nông nghiệp. Rau an toàn nơi đây được người tiêu dùng đón nhận, tiêu thụ mạnh đã cho thấy phát triển trồng trọt gắn với BVMT là xu hướng cần được nhân rộng", ông Hồng cho hay.
Hiện, nhiều HTX ở Hà Nội cũng đã khuyến khích hướng dẫn thành viên HTX sử dụng đúng thuốc BVTV trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý đúng cách bao bì thuốc sau khi sử dụng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nông dân trong sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
Ông Lê Xuân Trường, Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội đánh giá, một thời gian dài, sản xuất nông nghiệp chạy theo hướng tăng số lượng sản phẩm bằng cách sử dụng nhiều phân bón, hóa chất BVTV dẫn tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm, mất an toàn. Thay đổi sản xuất gắn với BVMT là xu hướng mới hiện nay.
Việc sử dụng thuốc BVTV vào sản xuất nông nghiệp là yếu tố không thể thiếu. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên trong quá trình sản xuất trước đây, nhiều nông dân đã lạm dụng các loại phân bón, thuốc BVTV và các chất kích thích, sinh trưởng để tăng năng suất, sản lượng.
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tuyên truyền, nâng cao ý thức của nông dân. Trong đó, việc thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang các hình thức nông nghiệp sạch, an toàn bền vững như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ... đang được quan tâm, đẩy mạnh.
Ngoài ra, theo ông Lê Xuân Trường, Hà Nội đang triển khai, thực hiện nhiều chương trình về phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng nông nghiệp hữu cơ để giảm thiểu tác động của các loại thuốc BVTV đối với môi trường.
Sản xuất vì môi trường xanh
Sản xuất, trồng trọt theo hướng xanh, bền vững BVMT đang được nhiều địa phương ở Hà Nội áp dụng. Tại huyện Phúc Thọ, HTX nông nghiệp Vân Nam là một điển hình về quan tâm mở rộng sản xuất, kinh doanh gắn với chú trọng công tác BVMT.
Phát triển những mô hình nông nghiệp xanh là xu thế tất yếu, mang lại hiệu quả cho người nông dân. |
Trước đây, sau khi hoa màu, chuối được thu hoạch, sản phẩm thải như lá, thân chuối… sẽ được bà con chặt vứt khắp các kênh mương gây ô nhiễm nguồn nước. Nay, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, HTX đang triển khai dự án ủ các sản phẩm thải trong trồng trọt để tạo mùn hữu cơ, dùng để bón trực tiếp cho những vụ canh tác sau, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học.
Ông Doãn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết: Nếu không có công nghệ xử lý phụ phẩm từ cây chuối sẽ dẫn tới ô nhiễm môi trường và giảm tuổi thọ của cây chuối.
Nếu lượng phụ phẩm này được chế biến phối hợp với chất thải từ chăn nuôi gà, lợn; các chất phụ gia cần thiết để tạo ra mùn hữu cơ chuyên dùng cho cây trồng thì rất tốt cho cây, đồng thời BVMT.
Do đó, HTX đã học hỏi, tìm tòi ứng dụng chế phẩm vi sinh Compost maker sản xuất mùn hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp.
Vòng đời của cây chuối thường kéo dài gần một năm. HTX đã và đang tiến hành thu gom, ủ mùn vào nhiều đợt khác nhau. Trung bình một lần thường kéo dài khoảng 6 tháng sẽ cho thành phẩm. Sản phẩm của dự án là mùn hữu cơ sinh học, mùn hữu cơ chuyên bón lót cho cây chuối và các loại cây trồng khác.
“Từ ngày có mô hình này, tình trạng phế phẩm trồng trọt vứt bỏ ra kênh mương đã giảm đáng kể. Do đó, HTX mong muốn mô hình biến phế thải trong trồng trọt thành mùn ủ hữu cơ của HTX sẽ được duy trì, phát triển rộng ra toàn dân”, ông Doãn Văn Thắng chia sẻ.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định, tới đây, ngành nông nghiệp Thủ đô đề ra mục tiêu phát triển HTX bằng cách phát triển bền vững kinh tế hợp tác, nòng cốt là HTX với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, nhân rộng các mô hình HTX hiệu quả gắn với sản xuất xanh, BVMT sống, từ đó hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ.
“Để nông nghiệp, nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn, là vùng đất đáng sống hơn, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng các sản phẩm thuốc BVTV sinh học, phân bón hữu cơ cho cây trồng, vật nuôi. Phát triển những mô hình nông nghiệp xanh, từng bước khắc phục điểm yếu cố hữu của sản xuất nông nghiệp như mất an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân”, ông Chu Phú Mỹ nói.
Kim Yến