Những năm qua, sản xuất dưa lưới trong nhà màng là mô hình đem lại nhiều thành công trên địa bàn tỉnh Bình Dương, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân và HTX. Trong đó, mô hình của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long đang trở thành mô hình điểm, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực.
Lợi cả kinh tế và môi trường
Nằm trên vùng đất đỏ bazan, xã An Bình, huyện Phú Giáo thích hợp cho phát triển nông nghiệp, trong đó có cây dưa lưới. HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long đã đứng chân ở vùng đất này được hơn 5 năm.
Ngày càng nhiều HTX ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới vào sản xuất. |
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trồng dưa lưới trong nhà màng với diện tích trên 4 ha, sản phẩm của HTX đạt được chất lượng cao và được công nhận đạt chuẩn VietGAP, sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường cả nước.
Theo Giám đốc HTX Nguyễn Hồng Quyết, dưa lưới vốn dĩ là loại cây khó tính, mẫn cảm với thời tiết, côn trùng gây hại, nên việc chăm sóc ở HTX rất tỉ mỉ, cẩn thận, tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất an toàn sinh thái, thân thiện môi trường, nói không với hóa chất độc hại.
Cụ thể, trong quá trình sản xuất, HTX ứng dụng tưới nhỏ giọt, hệ thống màng che cách ly cây trồng với côn trùng gây hại nên hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật, lượng phân bón giảm trên 70%.
Với thời gian sinh trưởng ngắn, lại áp dụng kỹ thuật chăm sóc công nghệ cao nên dưa lưới của HTX đạt năng suất vượt trội, chất lượng tốt, có thể trồng 4 vụ/năm.
Hàng năm, HTX Kim Long sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng trên 100 tấn dưa lưới, doanh thu đạt từ 4 - 4,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động, thu nhập bình quân từ 5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới của HTX Kim Long đã mở ra những cơ hội mới trong hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng các quy trình chuỗi sản xuất và góp phần nâng tầm giá trị nông sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Phú Giáo.
Tương tự, sự linh hoạt trong đổi mới sản xuất, ứng dụng công nghệ, thích ứng thị trường đang giúp HTX Sản xuất và tiêu thụ rau cần - cá giống Lý Hùng (xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) liên tục gặt hái thành công, mang lại thu nhập cao cho thành viên, hộ liên kết.
Để nâng cao giá trị sản xuất, những năm qua, HTX đã chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, thân thiện môi trường.
Toàn bộ khu trồng rau cần kết hợp với rau muống tiến vua của HTX hiện được bao phủ bởi hệ thống nhà lưới hiện đại, giảm thiểu những tác động tiêu cực từ thời tiết, hạn chế sâu bệnh, vi sinh vật gây hại, giúp năng suất, chất lượng sản phẩm tăng.
Nhân rộng các điển hình
Với phương thức sản xuất hiện đại, ứng dụng hiệu quả khoa học – công nghệ, đang giúp các thành viên, hộ liên kết của HTX Lý Hùng nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Sản xuất công nghệ cao là đòi hỏi tất yếu của HTX tham gia vào nông nghiệp hiện đại. |
Chị Lê Thị An, thành viên liên kết của HTX chia sẻ: “Gia đình tôi trồng gần 3 sào rau cần theo tiêu chuẩn hữu cơ. Nhờ được HTX bao tiêu, giá cả ổn định, mỗi năm tôi thu về trên 40 triệu đồng. Năm 2021, do chịu tác động của dịch COVID 19, giá rau giảm hơn, nhưng đa phần các hộ sản xuất vẫn có lãi”.
Không chỉ các hộ sản xuất, mô hình trồng rau cần đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài địa phương. Đơn cử với công rửa là 1.000 đồng/kg, ai chăm chỉ mỗi ngày rửa được 4 - 5 tạ có 400 - 500 nghìn đồng, bình thường trung bình mỗi ngày cũng được 2 - 3 tạ thu 200 - 300 nghìn đồng.
Rõ ràng, mô hình nhà màng, nhà lưới hiện đại đang là một trong những giải pháp mang tính ưu việt giúp các HTX thích ứng biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điểm chung của các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng nhà màng, nhà lưới hiện tại không chỉ thiếu vốn đầu tư, mà quỹ đất dành cho phát triển sản xuất cũng hạn chế nên nhiều HTX chưa phát huy hết được tiềm năng.
Mặt khác, các mô hình ứng dụng công nghệ cao mới làm từng phần nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ từ đầu tư con giống đến sản xuất, sơ chế, chế biến, thị trường đầu ra sản phẩm... Các HTX cũng chưa nắm bắt được thị trường công nghệ, nhất là thiếu nguồn nhân lực trong quản trị, quản lý điều hành để lựa chọn công nghệ cao vào sản xuất.
Để khắc phục những khó khăn và thúc đẩy nhân rộng mô hình các HTX ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, cần có biện pháp ưu tiên hỗ trợ vốn giúp các HTX có thể ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học vào sản xuất.
Các cơ quan chức năng, địa phương cũng cần nâng cao nhận thức của thành viên HTX về hiệu quả của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, lựa chọn các HTX có tiềm lực, khả năng để hỗ trợ tư vấn hướng dẫn, giúp các HTX lựa chọn, áp dụng công nghệ phù hợp, chuyển đổi sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tăng chất lượng, giá trị và năng suất của các sản phẩm trên một đơn vị diện tích.
Bên cạnh đó, các địa phương cần triển khai liên kết sản xuất giữa các HTX, hộ nông dân, doanh nghiệp để tạo ra chuỗi sản xuất có giá trị cao, chi phí thấp…
Lệ Chi