Phân bón hữu cơ là một loại vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng và được sử dụng với số lượng không nhỏ mỗi năm, nhằm phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững.
Việt Nam có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên để sản xuất phân bón và thuốc trừ sâu sinh học. Người dân cũng có nhiều kinh nghiệm sử dụng các tài nguyên bản địa để trồng trọt và chăn nuôi. Vì vậy, nước ta có đủ điều kiện để chuyển đổi dần từ nền nông nghiệp sử dụng nhiều phân hóa học sang nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Nguyên liệu phong phú
Phế thải nông nghiệp, cây xanh, rơm rạ… là nguồn nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ rất lớn. Theo Bộ NN&PTNT, ngành trồng trọt mỗi năm thải ra 40 triệu tấn rơm rạ, bã ngô, mía; ngành chăn nuôi thải ra 80 triệu tấn chất thải…
Riêng ĐBSCL, mỗi năm có 23 triệu tấn rơm rạ, 4,7 tấn trấu, 2,3 triệu tấn cám. Nếu tận dụng nguồn nguyên liệu này, mỗi năm, nước ta có thể sản xuất 5 - 6 triệu tấn phân hữu cơ phục vụ sản xuất.
Theo ông Nguyễn Đình Hạc Thúy - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nước ta có điều kiện rất thuận lợi để sản xuất phân hữu cơ. Phân bón hữu cơ đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì, bảo vệ độ phì nhiêu cũng như sức sản xuất của đất.
Tại Việt Nam, ngoài sản xuất theo mô hình công nghiệp, phân hữu cơ được sản xuất theo mô hình nông hộ, trang trại theo phương thức lên men, ủ conmpost. Sản phẩm phân hữu cơ sau khi ủ hoai mục có thể hạn chế một phần vi sinh vật gây bệnh, tránh tác động đến môi trường và sức khỏe người sản xuất.
Sử dụng phân hữu cơ không chỉ giúp cải thiện chất lượng đất, nước, không khí về lâu dài mà còn là "chìa khóa" để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ.
Theo nhận định của các chuyên gia nông nghiệp, không có phân bón hữu cơ thì không thể phát triển được nền nông nghiệp hữu cơ. Chính vì vậy, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/NĐ-CP về quản lý phân bón, trong đó có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển phân bón hữu cơ.
Trồng rau hữu cơ ở HTX Nông sản hữu cơ Lương Sơn |
Nền tảng của nông nghiệp hữu cơ
Nền nông nghiệp hữu cơ là phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, góp phần quan trọng để phục hồi, duy trì hệ sinh thái tự nhiên. Sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ cũng được đánh giá cao về chất lượng.
Hiện nay, trên cả nước đã có 43.000 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều HTX, THT đã sử dụng phân bón hữu cơ, như: HTX sản xuất nông sản hữu cơ Lương Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình); HTX chăn nuôi Trường Thành (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang); HTX nông nghiệp Đồng Phú (Chương Mỹ, Hà Nội)…
Các mô hình chăn nuôi này đều tận dụng khai thác những lợi thế về điều kiện tự nhiên, điểm mạnh của địa phương để quy hoạch tập trung sản xuất, kinh doanh, đồng thời tuân thủ nghiêm theo các tiêu chuẩn về chăn nuôi hữu cơ từ giống, phân bón, thức ăn, tiêm phòng, công tác hậu thu hoạch…
Đặc biệt, các mô hình này còn tận dụng nguồn phân, chất thải, phế thải nông nghiệp làm phân hữu cơ để phục vụ chính hoạt động sản xuất của đơn vị mình. Vì thế, tình trạng ô nhiễm môi trường không còn, chất lượng sản phẩm lại được nâng cao.
Hiện nay, do nhu cầu đòi hỏi chuyển từ nền sản xuất khai thác tài nguyên sang nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ là một trong những hướng đi tất yếu trong thời gian tới.
Có như vậy, các sản phẩm nông nghiệp của nước ta mới ngày càng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu nhiều hơn. Do đó, việc tập sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ là một việc làm hết sức cần thiết.
Để làm được điều này, cần có sự liên kết chặt chẽ của Chính phủ, DN, nhà khoa học và sự ủng hộ, vào cuộc của người dân ở cả mảng tiêu dùng sản phẩm và ứng dụng sản xuất nhằm xây dựng nền nông nghiệp ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường, hướng đến xây dựng nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Như Yến