Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, có hiệu lực từ 25/8 tới.
Lợi ích kép từ phân loại rác thải tại nguồn
Đánh giá về Nghị định 45 vừa được ban hành, Ts. Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, việc phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần tiết kiệm tài nguyên, mang lại lợi ích qua nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế.
Nhiều HTX đã và đang tiên phong thực hiện nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải tại nguồn hiệu quả. |
Không những thế, phân loại rác tại nguồn còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý, góp phần vào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Mặc dù đem lại rất nhiều lợi ích nhưng thực tế cho thấy, dù đã có rất nhiều nỗ lực song việc phân loại rác tại nguồn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Không ít chương trình phân loại rác tại nguồn, dự án xử lý rác thải được triển khai, nhưng chỉ một thời gian ngắn lại lặng lẽ chìm dần.
“Việc ra đời của Nghị định 45 đã bổ sung thêm quy định về phân loại rác thải tại nguồn, giúp tiết kiệm chi phí ngân sách nhà nước để xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giảm diện tích chôn lấp, thu hồi vật liệu, thu hồi năng lượng, tạo nguyên liệu làm phân compost, tiết kiệm tài nguyên và hạn chế ô nhiễm môi trường từ quá trình xử lý chất thải. Đồng thời, cũng có những hình thức xử phạt đối với cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt không phân loại rác tại nguồn”, Ts Nguyễn Văn Tài nói.
Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, các mô hình phân loại rác thải tại nguồn đang được triển khai, nhân rộng tại nhiều địa phương. Không chỉ từng bước làm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân, các mô hình HTX môi trường đã và đang góp phần tích cực vào giảm tải áp lực trong thu gom, xử lý rác cũng như tận dụng được tài nguyên.
Mặc dù là một xã thuộc huyện miền núi song công tác phân loại rác ngay từ hộ gia đình tại xã Văn Quán, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai từ khá sớm với sự vào cuộc của HTX Dịch vụ Tổng hợp Nông nghiệp và Môi trường Văn Quán.
Giám đốc Nguyễn Quang Huy chia sẻ: Với cách làm quyết liệt, những năm trở lại đây, công tác phân loại rác ngay từ hộ gia đình đã dần đi vào nề nếp. Mặc dù chưa thật sự triệt để, nhưng từ khi thực hiện phân loại rác tại nguồn, công việc của HTX được giảm bớt rất nhiều.
Nếu như trước đây, sau mỗi lần thu gom, HTX phải mất cả ngày để phân loại, thì nay chỉ cần nửa ngày là có thể cho vào đốt. Chưa kể, phần lớn rác thải hữu cơ, rác thải có thể tái chế đều được bà con giữ lại, nên lượng rác thải đổ về bãi tập kết cũng giảm đi nhiều, khắc phục được tình trạng quá tải bãi rác.
“Để có được kết quả này, ngay khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao đầu năm 2020, HTX đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác tại nguồn và lựa chọn một số thôn làm điểm xây dựng thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Huy cho hay.
Việc nên làm và phải làm
Tương tự như HTX Văn Quán, HTX Môi trường và Dịch vụ thương mại Thành Vinh, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền tập huấn hướng dẫn phân loại rác tại nguồn với sự tham gia đông đảo của bà con nhân dân xã Tú Sơn.
Các HTX đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác tại nguồn. |
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thành Vinh, bà Đoàn Thị Mơ cho biết, năm 2016, HTX đã xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Tú Sơn với vốn đầu tư 5,5 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn đầu nguồn triệt để, quản lý chất thải rắn theo phương thức 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) và xử lý tổng hợp chất thải rắn theo 2 nhóm công nghệ.
Hay như tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, HTX nông nghiệp và dịch vụ điện năng Vĩnh Lại không chỉ làm tốt trong lĩnh vực nông nghiệp, điện năng, mà còn được đánh giá là mô hình hoạt động tích cực, hiệu quả trong công tác vệ sinh môi trường, xây dựng môi trường bền vững tại địa phương, khi được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất với 1 xe ôtô chuyên dụng chở rác, 10 xe đẩy rác phục vụ công tác thu gom.
HTX cùng các cấp ngành địa phương chủ động trang bị gần 600 thùng rác có ngăn phân loại rác tại nguồn cho các hộ gia đình. Các loại thùng này đều có thể chứa đến 15 kg rác trong khoảng 2 - 3 ngày.
Các hộ cũng được cung cấp chế phẩm vi sinh để ủ rác hữu cơ tại hố chôn trong vườn nhà. Trước khi tiến hành, người dân và các thành viên trong HTX đều được tập huấn kỹ thuật về phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ.
Theo bà Khuất Thị Ánh Tuyết - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX, việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang là mối quan tâm lớn của nhân dân địa phương. Là vùng nông thôn, Vĩnh Lại có lợi thế đất rộng, rác thải hữu cơ hoàn toàn có thể được xử lý tại nguồn để giảm thiểu lượng thải ra môi trường, chỉ cần thay đổi yếu tố cốt lõi là thói quen người dân trong việc phân loại rác.
Ông Nguyễn Thiệu Anh, Viện trưởng Viện Sức khỏe và môi trường vì cộng đồng đánh giá, muốn biến rác thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân loại rác tại nguồn, loại bỏ những tạp chất tồn đọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống và nâng cao hiệu quả của các biện pháp xử lý. Phân loại rác tại nguồn sẽ cho rác thải bao bì một vòng đời mới, cho rác thải hữu cơ được tái sinh có ích là việc nên làm và phải làm. Đồng thời, giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý.
Kim Yến