Hà Giang có trên 276.000 ha đất rừng sản xuất, tuy nhiên là một tỉnh nghèo của miền núi phía Bắc, có những cung đường hiểm trở, “rừng thiêng, nước độc”, nên người dân trồng rừng không xuể. Do đó, thực hiện nhiệm vụ quan trọng của Đảng giao, Hà Giang áp dụng mô hình "Hợp tác xã Dân quân trồng rừng" hay "tổ hợp tác trồng rừng" với nòng cốt là lực lượng dân quân là một trong những mô hình bước đầu cho thấy hết những ưu điểm đó.
Nhiệm vụ 2 trong 1
Hà Giang là một tỉnh biên giới đặc biệt khó khăn của vùng trung du miền núi phía bắc. Trong nhiều năm qua, tỉnh Hà Giang đã xác định phải phát triển kinh tế đồi rừng, ưu tiên trồng rừng bên cạnh cây dược liệu. Một mặt tỉnh tập trung chỉ đạo liên kết với doanh nghiệp để trồng rừng lấy gỗ lớn và tập trung về diện tích.
Mặt khác chỉ đạo thành lập một số hợp tác xã (HTX) mà xã viên là lực lượng dân quân để lập phương án sản xuất, trồng rừng tập trung trên cơ sở quản lý diện tích đất công (đất còn lại của tập thể sau khi đã giao đất giao rừng)
Trước yêu cầu của thực tiễn, năm 2016, HTX Dân quân trồng rừng được thành lập đầu tiên tại xã Kim Thạch, huyện Vị Xuyên. Lực lượng ban đầu là dân quân và Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã đồng thời Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX.
Mô hình sử dụng lực lượng dân quân trồng rừng mang lại hiêu quả cao cho Hà Giang (Ảnh: TL) |
HTX Dân quân trồng rừng xã Kim Thạch được giao 80 ha đất lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế. Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, HTX đã phát huy hiệu quả; phủ xanh toàn bộ đất trống, đồi núi trọc được giao và tạo công ăn, việc làm cho các thành viên. Từ đây, HTX Trồng rừng xã Bạch Ngọc, Ngọc Minh, Thuận Hòa, Thượng Sơn, Quảng Ngần… lần lượt được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả.
Các HTX này được thành lập theo luật, các xã viên đều đóng góp cổ phần để trở thành cổ đông; phương án sản xuất, kinh doanh được thảo luận trong tập thể. Việc sản xuất của HTX cũng chính là nhiệm vụ của lực lượng dân quân trong vấn đề tuần tra quản lý địa bàn.
Theo đó, nhiệm vụ thường xuyên của các HTX này vừa huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai, hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn; tham gia diễn tập giữ gìn trị an, phòng chống cháy rừng, phòng chống lụt bão xảy ra trên địa bàn; phối hợp tổ chức tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ, phối hợp với Công an xã giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Các HTX còn nhận thêm nhiệm vụ trồng rừng kinh tế, rừng lâm nghiệp xã hội dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ban Thường vụ Đảng ủy xã.
Nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ chính trị vừa tách bạch rõ ràng vừa thống nhất trong một lực lượng. Một số HTX theo mô hình cho đến nay đang tiếp tục đề nghị với chính quyền xã giao thêm đất để mở rộng diện tích trồng rừng.
Giải quyết khó khăn từ thực tiễn
Theo lãnh đạo tỉnh Hà Giang, việc thành lập mô hình HTX Dân quân trồng rừng có nhiều khó khăn và có chỉ có hiệu quả cao đối với những nơi còn quỹ đất công. Hơn nữa, các HTX quản lý đất phải theo các quy định của Luật Ðất đai, trong khi mô hình này có cấu trúc chưa chặt chẽ, chưa thực hiện được việc đấu giá, đấu thầu đất.
Trước thực trạng có nhiều khó khăn trong quản lý đất, tỉnh Hà Giang đưa ra phương án quản lý có hiệu lực là cần thiết. Nếu thành lập HTX thì sẽ có những ràng buộc về pháp lý cần giải quyết. Do vậy, Hà Giang đã chỉ đạo thành lập "tổ hợp tác trồng rừng" (THT) nòng cốt vẫn là lực lượng dân quân. Tổ sẽ xây dựng phương án sản xuất và được UBND xã phê duyệt cho quản lý đất công của xã và có đóng góp quỹ cho xã theo phương án được duyệt.
Nếu thực hiện mô hình này thì sẽ giải quyết được những vấn đề khó khăn. Theo đó: Mỗi xã có một trung đội dân quân nếu biết phát huy thì sẽ có thêm hiệu quả kinh tế, phát huy được vai trò của dân quân ngay trong cộng đồng dân cư nông thôn. Bên cạnh đó, quỹ đất công sẽ được quản lý tốt hơn so với trước đây, các định hướng chỉ đạo của xã dễ dàng được triển khai trong mô hình này (gắn với chi bộ quân sự xã).
Mặc dù còn khó khăn trong cách quản lý nhưng Hà Giang đã có những phương pháp giải quyết để phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương (Ảnh: TL) |
Ngoài ra, việc này sẽ góp phần thực hiện quan điểm gắn quốc phòng với kinh tế ở địa phương và góp phần thực hiện chủ trương phát triển HTX, các loại hình THT, kinh tế tập thể.
Thực tế, để mô hình HTX hay THT Dân quân trồng rừng được phát huy hiệu quả, trước đó, năm 2018, tỉnh Hà Giang đã thực hiện xong việc điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp và 3 loại rừng giai đoạn 2016 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tổng diện tích đất lâm nghiệp của Hà Giang trên 567.000 ha, tăng trên 1.264 ha so với trước điều chỉnh quy hoạch; trong đó, diện tích rừng đặc dụng là 59.544,4 ha; rừng phòng hộ là 231.800,5 ha; rừng sản xuất 276.642,9 ha. Trong số trên 276.600 ha đất rừng sản xuất thì mới chỉ có trên 213 ha đất có rừng, còn lại trên 63.000 ha đất chưa có rừng. Như vậy, quỹ đất phát triển cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất lớn.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, việc thành lập các HTX Dân quân trồng rừng (hay THT) đã tạo ra phương thức sản xuất mới, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, tăng cường hiệu quả sử dụng đất và chất lượng rừng trồng. Đồng thời tăng cường sức mạnh, nguồn lực của các thành viên HTX, tạo công ăn, việc làm cho người dân địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
MS