![]() |
Nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở bản Hoa Tiến đang được gìn giữ từ bao đời nay (Ảnh: TL) |
Ngày 4/2/2020, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành QĐ 303-UBND về việc phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An năm 2019”, theo đó, có 15 sản phẩm đạt 4 sao, 33 sản phẩm đạt 3 sao.
Trong số 15 sản phẩm được gắn 4 sao có 2 sản phẩm thuộc về 2 Hợp tác xã (HTX) đó là sản phẩm Dệt thổ cẩm (khăn, váy, khăn trải bàn) của HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu) và chè xanh Thanh Chương của HTX Nông nghiệp và chế biến chè xanh Thanh Đức (Thanh Chương).
Giữ tinh hoa cho quê hương
Hoa Tiến nằm ở phía Tây tỉnh Nghệ An, nơi đây được xem là cái nôi của nền văn hóa Thái cổ với nhiều nét đẹp như những nếp nhà sàn cổ nối tiếp nhau san sát, xen lẫn hương nồng cay của rượu cần và những mảnh vải thổ cẩm độc đáo.
Nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở bản Hoa Tiến là công việc mà người con gái và người phụ nữ Thái nào cũng cần phải biết. Họ thường tự tay làm những chiếc váy, bộ chăn, đệm, những chiếc khăn piêu... phục vụ bản thân và gia đình. Khi lớn lên, các cô gái Thái chuẩn bị các bộ trang phục, của hồi môn để khi lấy chồng mang theo và làm quà tặng ông bà, bố mẹ chồng... Thổ cẩm với những hoa văn độc đáo từ bao đời nay là thứ không thể tách rời trong đời sống tinh thần và tình yêu với nghề truyền thống.
Từ lâu bà Sầm Thị Bích đã mong muốn giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến được nhiều người biết đến. Năm 2010 bà Sầm Thị Bích đã thành lập HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến, với mong muốn lưu giữ và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái, đồng thời, góp phần tăng thu nhập cho những người phụ nữ nơi đây.
Bà Sầm Thị Bích, Giám đốc HTX làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến cho biết, tôi là người dân tộc Thái nên nghề thêu thùa cũng là nghề truyền thống của cha ông. Ngoài việc đưa ra thị trường bán còn làm của hồi môn cho con gái lấy chồng. Phụ nữ dân tộc Thái khoảng 13 tuổi ai cũng biết thêu, dệt
Mỗi tấm thổ cẩm đều bắt đầu từ trồng bông, nuôi tằm, kéo sợi cho đến nhuộn màu, thêu thùa. Đặc biệt, sản phẩm thổ cẩm của HTX đều được nhuộn bằng các loại cây rừng nên có màu sắc tự nhiên, không giống với bất kỳ sản phẩm của các vùng miền khác và trên mỗi sản hẩm đều có nét lưu giữ các bản sắc dân tộc của người Thái để gửi gắm đến du khách muộn nơi.
Ban đầu, các sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến được đưa ra thị trường là chiếc ví cầm tay xinh xắn, thú bông, khăn choàng, dép thổ cẩm, vỏ gối... và được khách hàng đón nhận. Từ đó, các thành viên HTX đã tìm tòi, học hỏi và thiết kế nhiều mẫu mã mới để nâng cao giá trị sản phẩm.
Bằng óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ, các thành viên HTX đã biến vải vụn thành những sản phẩm mang đặc trưng của thổ cẩm Hoa Tiến tinh tế, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đó cũng là lối đi riêng mà cô gái Thái đã chọn để góp phần phát triển HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến.
Đưa sản phẩm "bay" xa
Hiện nay, để phát triển và quảng bá sâu rộng hơn sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến, con gái bà Sầm Thị Bích là Sầm Thị Tình đã mở hiệu dệt thêu và nhuộm màu tự nhiên ngay tại Hà Nội để đưa sản phẩm thổ cẩm của gia đình, quê hương ra thị trường trong nước và quốc tế.
![]() |
Các sản phẩm của HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến được sử dụng nguyên liệu bông tự nhiên (Ảnh: TL) |
Chị Sầm Thị Tình cho biết đang phụ trách mảng kinh doanh và marketing tại HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến. Chị mang sản phẩm của HTX giới thiệu với khách hàng trong và ngoài nước thông qua các kênh bán hàng truyền thống, hội chợ thương mại và mạng xã hội. Ngoài ra, chị còn là người tìm kiếm và kết nối giữa HTX với các cửa hàng, bảo tàng, các nhà thiết kế trong nước và quốc tế... để tạo thêm nhiều đơn hàng, từ đó, tạo thêm thu nhập cho chị em trong HTX, góp phần trang trải cuộc sống.
Ngoài ra, HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến còn tổ chức các buổi hội thảo, nói chuyện tại nhà để giới thiệu về cách dệt, thêu, nhuộm vải bằng chất liệu tự nhiên của dân tộc mình cho khách hàng.
“Qua các chương trình đó, nhiều nhà thiết kế, các cửa hàng biết và tìm đến chúng tôi để đặt hàng. Hiện nay, các sản phẩm của HTX không chỉ được bán ra thị trường trong nước, mà còn mở rộng ra thị trường quốc tế, nhất là tại một số nước như Lào, Đức, Pháp, Ô-xtrây-li-a... Thu nhập bình quân của các chị em trong HTX từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Doanh thu ước tính cả năm của HTX khoảng 600 triệu đồng”, chị Sầm Thị Tình cho biết.
Hiện nay, HTX tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng bông. Chị Tình chia sẻ: bên cạnh mục đích bảo tồn ngành dệt thủ công bao đời nay của đồng bào dân tộc Thái, đáp ứng nguyên liệu sản xuất của HTX, tăng thêm thu nhập cho bà con. Còn mục đích để phủ xanh những ha đất màu mỡ của mảnh đất Hoa Tiến bằng những ha bông xanh mướt mải, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe người dùng.
Hà An