Rời quê hương Ninh Bình vào Đăk Lăk lập nghiệp cách đây 30 năm, ông Đinh Công Định từng làm công nhân ở một nông trường cà phê. Dành dụm được ít tiền, ông Định mua đất ở xã Đliê Ya để trồng mì, bắp, đậu…
Lợi nhuận thu từ hoa màu được ông sử dụng mua thêm đất, đầu tư làm cà phê, trồng xen cây lát Mexico lấy gỗ… Tuy nhiên, do mua phải giống cây trôi nổi, vườn lát của ông bị sâu bệnh, phải chặt bỏ nhiều lần.
Tỷ phú mắc ca
Trong khi đi tìm giống cây lát cao sản, ông được các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp giới thiệu về mắc ca, một loại cây có nguồn gốc ngoại nhập, được mệnh danh là “nữ hoàng quả khô”. Ông lặn lội đến vùng Con Cuông (Nghệ An), nơi trồng thí điểm hàng ngàn cây mắc ca rồi sang cả Trung Quốc, Thái Lan, đến các viện nghiên cứu nông nghiệp khảo sát các giống mắc ca cho năng suất cao. “Thế giới có đến 60 giống mắc ca nhưng tôi chỉ quan tâm đến những giống có năng suất, chất lượng cao nhất”, ông Định cho biết.
Những nơi đến tìm hiểu ông Định đều mua một ít hạt giống hoặc cành mắc ca để về ươm ghép, tạo ra giống thích hợp với thổ nhưỡng Đăk Lăk. Từ năm 2010 - 2011, ông được Sở KH-CN Đăk Lăk và Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng (Hà Nội) chuyển giao trồng khảo nghiệm hơn 400 cây mắc ca trên đất vườn nhà.
Hiện, 3 ha mắc ca của ông kinh doanh ổn định, 10 ha bước vào thu bói, diện tích còn lại cây khoảng 2 tuổi. Năm ngoái, ông Định thu hơn 7 tấn hạt mắc ca khô, bán với giá 160.000 đồng/kg.
Đặc biệt, vườn ươm giống mắc ca đem lại nguồn thu không nhỏ, cung cấp cho thị trường hàng chục ngàn cây giống mỗi năm, với giá 50.000 - 60.000 đồng/ cây. Cây giống mắc ca của ông Định được nông dân và doanh nghiệp nhiều tỉnh như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Trị, Đăk Nông tìm đến mua…
Không dừng ở đó, ông Định còn tự chế biến một số sản phẩm được thị trường tiêu thụ mạnh, như hạt mắc ca rang tách nứt, rượu mắc ca, tinh dầu mắc ca… Tất cả sản phẩm mắc ca đã đem lại doanh thu cho gia đình ông gần 4 tỷ đồng và dự kiến nguồn thu này còn tăng lên nhờ sản lượng vườn mắc ca tăng cao hơn.
Ông Định với vườn mắc ca cho thu nhập tiền tỷ |
Xứng danh “nữ hoàng”
Từ cuối năm 2016, HTX Nông nghiệp mắc ca Tân Định được thành lập do ông Định làm Chủ tịch HĐQT, đến nay thu hút gần 60 thành viên là nông dân trên địa bàn 4 xã của huyện Krông Năng. Nhiều thành viên được ông Định hỗ trợ giống, kỹ thuật để phát triển vườn mắc ca.
Ông Định bộc bạch: “Điều tâm đắc nhất của tôi là chọn hướng đi bền vững, chậm mà chắc, là tự chọn được giống mắc ca cho năng suất, sản lượng cao. Từ đó giúp nhiều người khác có giống tốt, tránh tình trạng nhiều vườn mắc ca ồ ạt trồng nhưng mua phải giống trôi nổi, không có trái hoặc năng suất kém, phải chặt bỏ rất tốn kém”.
Sản phẩm của HTX sản xuất được bao nhiêu đều được tiêu thụ hết ở thị trường khắp cả nước với giá bình quân 240.000 đồng/kg. Bên cạnh bán hạt, HTX còn sản xuất tinh dầu, rượu và một số sản phẩm khác từ mắc ca nhằm tăng thêm giá trị kinh tế của loại cây này. Đặc biệt, sản phẩm của HTX đã được cấp quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu tập thể “Mắc ca Chiến Thắng”.
Mắc ca được mệnh danh là “nữ hoàng quả khô” vì hàm lượng dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao mà nó mang lại. Vỏ quả mắc ca còn có thể nghiền làm thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thuộc da, làm than hoạt tính, chất độn giá thể ươm cây có hiệu quả góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cây mắc ca có tán lớn, tuổi thọ cao, sức chống chịu tốt nên được chọn làm cây phủ xanh đất trống đồi trọc.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Krông Năng, trên địa bàn huyện hiện có 302 ha mắc ca trồng thuần và trồng xen, tập trung nhiều nhất tại các xã Ea Puk (99 ha), Cư Klông (45,7 ha), Ea Tam (38 ha)…
Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, đa phần diện tích mắc ca được trồng bằng giống cây ghép, hiện nhiều vườn cây đã cho thu hoạch với năng suất 3,5 tấn/ha.
Hà Xuyên