Cần thận trọng khi mở rộng diện tích cây mắc ca |
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cây mắc ca 2.266 ha, chiếm 64,01% diện tích cây mắc ca của cả nước, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Lâm Đồng (44,04%), Đắk Nông (35,30%).
Theo định hướng quy hoạch phát triển cây mắc ca của Bộ NN&PTNT, Tây Nguyên là vùng quy hoạch chính để phát triển cây mắc ca với diện tích ước tính có thể lên đến 200.000ha và kỳ vọng đạt được 200.000 tấn hạt thô vào năm 2025, từ đó, đưa Việt Nam trở thành một cường quốc về cây này.
Chưa mang lại tỷ đô
Tại xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, nhiều người dân đã đưa vào trồng cây mắc ca xen với vườn cà phê. Trồng mắc ca, bà con không phải đầu tư nhiều vì giống được cho theo dự án của huyện . Ba con cũng chỉ tưới nước và bón phân lúc ban đầu còn lại cho cây tự phát triển. Tuy nhiên, thu hoạch từ cây mắc ca lại không cho năng suất cao như kì vọng. Trung bình, người dân chỉ thu được 5-7 triệu đồng/200 gốc vì sau 5-7 năm, nhiều gốc mắc ca không ra quả, hoặc có quả nhưng không có hạt.
Như vậy có thể thấy khi trồng xen với các loại cây trồng truyền thống như cà phê, hồ tiêu, cao su, người dân sẽ có thêm thu nhập từ cây mắc ca. Tuy nhiên, đây là loại cây trồng mới nên không đơn giản như suy nghĩ của người dân là cứ trồng, không chăm bón cầu kì cũng có thể cho thu hoạch.
Anh Nguyễn Văn Huyên-khuyến nông viên xã Đắk Búk So, cho rằng cây mắc ca cũng như những cây trồng khác, cần chăm sóc, tưới bón đầy đủ thì mới cho năng suất như mong muốn. Tuy nhiên hiệu quả của nó còn phụ thuộc vào giống cây, người dân nên trồng với giống ghép của những cây đầu dòng theo quy định của Bộ NN&PTNT.
Hiện trên thị trường có đến hơn 20 giống mắc ca nhưng chỉ có 10 giống mắc ca được Bộ NN&PTNT cấp phép như: 246, 816, OC, 849, H2, OC và 508… Còn lại là những giống trôi nổi, chưa được kiểm chứng.
Hiệu quả của cây mắc ca không chỉ phụ thuộc vào giống mà còn đòi hỏi điều kiện sinh thái ngặt nghèo. Chính vì vậy, ở Tây nguyên cũng chỉ có một số xã có điều kiện phù hợp để mắc ca sinh trưởng và phát triển chứ không phải địa phương nào cũng phù hợp trồng mắc ca.
Về yếu tố thị trường, giá mắc ca trên thị trường thế giới chỉ 1,2-1,8 USD (30-60.000/kg). Với thông tin cây mắc ca là cây tỉ đô có giá lên đến cả triệu đồng/kg, nên đã có hiện tượng nông dân chặt bỏ hàng loạt cây truyền thống để trồng mắc ca. Theo cảnh báo của các nhà khoa học, việc trồng ồ ạt theo hướng tự phát sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người nông dân và cho cả vùng cây kinh tế.
Thận trọng từng bước
Thực chất cây mắc ca có mặt tại Việt Nam khoảng 20 năm nhưng được người dân trồng nhiều khoảng 10 năm trở lại đây. Trước mắt, mắc ca là cây tiềm năng, đem lại thu nhập cho bà con, tuy nhiên, tiềm năng ấy phải được đặt đúng chỗ và phải có quy trình rõ ràng thì mới mang lại hiệu quả.
Thực tế nhiều năm qua, nông dân Việt Nam và ngay cả các địa phương cũng luôn có tâm lý chạy theo cây trồng nào được giá trên thị trường. Họ sẵn sàng chặt điều trồng cao su, ca cao; chặt ca cao trồng dừa, trồng bưởi da xanh; chặt cao su để trồng khoai mỳ… Và cây mắc ca cũng có hiện tượng như vậy.
Trước tình trạng trên, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông đã có kế hoạch tuyên truyền để bà con vẫn tiến hành trồng mắc ca nhưng tiến hành trồng xen, trồng thử nghiệm với các cây trồng khác. Đồng thời, người dân phải thận trọng khi mở rộng diện tích vì đây là cây trồng mới, du nhập từ nước ngoài nên phải trải qua thời gian dài nghiên cứu mới khẳng định được có hiệu qủa hay không.
Theo các nhà khoa học, muốn nghiên cứu và đánh giá bất kì một loại cây trồng mới nào phải mất một quá trình dài , khoảng 40-50 năm.
Ông Đặng Văn Cương-Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy Đức, cho biết cây mắc ca được đánh giá là có thể giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Để phát triển bền vững, ông Cương cho rằng phải thực hiện tốt ba việc.
Thứ nhất, phải có quy hoạch cụ thể, bài bản vì không phải vùng nào cũng trồng được mắc ca. Quy hoạch sẽ tránh được những hậu quả nghiêm trọng như tình trạng trồng ồ ạt, dư cung dẫn đến chặt bỏ mắc ca giống như tình trạng người dân chặt bỏ hồ tiêu, cà phê...
Thứ hai, phải quản lí giống cây. Tránh tình trạng người dân mua giống cây trôi nổi về trồng làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.
Thứ ba, doanh nghiệp và Nhà nước cần vào cuộc hỗ trợ người dân khâu chế biến, đẩy mạnh phát triển thương hiệu để xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị, giải quyết tốt đầu ra cho mắc ca.
Để làm được những điều trên, không chỉ cần sự liên kết giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học mà người dân cũng cần nâng cao kĩ năng, kiến thức về sản xuất, tăng cường kết hợp với “ba nhà” còn lại để xây dựng cây măc ca thành chuỗi giá trị. Có như vậy, mắc ca mới thực sự trở thành một cây công nghiệp và là cây tỷ đô giúp bà con xóa đói giảm nghèo.
Như Yến