Phát huy lợi thế, tiềm năng sản xuất nông nghiệp của từng địa phương, huyện Yên Sơn đã thúc đẩy sản xuất trên 3 vùng, gồm vùng thượng huyện tập trung phát triển cây ăn quả như bưởi, chuối, hồng không hạt; vùng an toàn khu phát triển sản phẩm gỗ rừng trồng; vùng hạ huyện phát triển cây chè.
Làm giàu từ cây ăn quả
Xã Trung Trực từ một xã nghèo nhất của huyện Yên Sơn nay đã được “đánh thức” tiềm năng, lợi thế nhờ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Với thế mạnh phát triển cây ăn quả, chủ lực là cây bưởi, kinh tế của xã đã có bước tiến lớn, vùng sản xuất được hình thành, gia tăng giá trị kinh tế từ một đơn vị diện tích.
Theo lãnh đạo UBND xã, trong những năm qua, các hộ sản xuất đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng bưởi tập trung, sản xuất theo hướng chuyên canh, thâm canh cao. Hiện tại, toàn xã có trên 450 ha bưởi, giá trị kinh tế từ trồng bưởi đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Cây có múi như bưởi, cam... đang là cây làm giàu cho nhiều hộ nông dân huyện Yên Sơn. |
Điển hình như mô hình trồng bưởi hữu cơ của gia đình ông Vũ Thế Hoàng, thôn 2, xã Trung Trực hiện đã mở rộng diện tích lên hơn 3 ha. Sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh đang giúp ông Vũ dễ dàng áp dụng cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từ đó giảm chi phí đầu tư.
“Trong 3 ha bưởi chỉ có hơn 1 ha đang trong kỳ thu hoạch nhưng mỗi năm đã đem lại cho gia đình trên 200 triệu đồng. Để tạo ra lợi thế cạnh tranh, tôi đã chủ động chuyển hướng áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ để nâng cao chất lượng, đảm bảo thị trường tiêu thụ”, ông Hoàng phấn khởi nói.
Cùng với Trung Trực, xã Xuân Vân cũng đang là “vựa bưởi” ở Tuyên Quang. Ông Lê Hồng Việt, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, xã có gần 1.000ha bưởi, tập trung ở các thôn Soi Hà, Soi Đát, Đô Thượng 6, Vân Giang, Đồng Cày...
Một trong những mô hình trồng bưởi hiệu quả nhất ở Xuân Vân là vườn bưởi hơn 7ha của anh Phạm Văn Yên, thôn Đô Thượng 6, đang áp dụng tưới phân bón hữu cơ tự làm từ năm 2021.
Anh Yên chia sẻ sau thời gian dài lạm dụng phân bón hóa học, trong khoảng 5 năm trở lại đây, được hướng dẫn kỹ thuật, anh chuyển sang sản xuất hữu cơ. Kết quả, vườn bưởi của gia đình anh đang cho chất lượng quả vượt trội. Bưởi loại 1 nặng từ 2,2 - 2,4kg/quả, còn loại trung bình đạt 1,8kg, với giá bán 23 nghìn đồng/kg, mỗi quả bán được từ 40-55 nghìn đồng. Vụ bưởi năm 2022, anh Yên thu về trên 300 triệu đồng.
Điểm tựa vững vàng từ HTX
Hiện tại, các xã Kiến Thiết, Lực Hành, Phúc Ninh, Chiêu Yên, Thắng Quân... đều nằm trong vùng quy hoạch trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa của huyện Yên Sơn cũng đã mang lại hiệu quả.
Đáng chú ý, để nâng cao hiệu quả sản xuất, các xã đã và đang hỗ trợ người dân thành lập các HTX, tổ hợp tác để liên kết, dẫn dắt các hộ canh tác theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ. Như tại xã Tứ Quận, hoạt động của Tổ hợp tác nông nghiệp xã Tứ Quận đang trở thành điểm tựa làm giàu cho thành viên, nông dân liên kết.
Ông Trần Văn Cường, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp xã Tứ Quận, một trong những người tiên phong trồng cam tại địa phương chia sẻ, trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng ngô và sắn nên vừa vất vả mà thu nhập lại thấp.
Đến khi tham gia vào Tổ hợp tác, gia đình ông được tập huấn quy trình sản xuất VietGAP, loại bỏ hoàn toàn các loại phân bón, thuốc trừ sâu hóa học độc hại, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, hợp chất vi sinh, thân thiện môi trường... Nhờ sản xuất sạch, hiệu quả sản xuất của gia đình ngày càng tăng, mang lại nguồn lợi kinh tế rõ rệt.
Yên Sơn dự kiến thúc đẩy các cây trồng thế mạnh để xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân. |
Hay như HTX nông lâm nghiệp Xuân Vân, xã Xuân Vân đang là đơn vị điển hình trong lĩnh vực trồng cây ăn quả huyện Phù Yên, với mô hình trồng bưởi VietGAP, cho giá trị 200-300 triệu đồng/ha/năm.
Ông Phạm Trung Văn, Giám đốc HTX Xuân Vân cho biết, bưởi Xuân Vân đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể cho HTX. Để có được thành công này, thành viên HTX đã áp dụng quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường. Hiện, HTX đang phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện để nâng hạng các sản phẩm bưởi quả từ 3 sao lên 4 sao OCOP.
“Sau khi người dân được tiếp cận khoa học-kỹ thuật, cũng như được các đơn vị tư vấn hướng dẫn về quy trình chăm sóc theo quy định để giảm thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, thì tiêu chuẩn an toàn của sản phẩm sẽ được nâng lên và người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn trong việc sử dụng sản phẩm bưởi của xã Xuân Vân”, đại diện HTX Xuân Vân nói.
Định hướng phát triển bền vững
Không chỉ có cây ăn quả, ngành nông nghiệp huyện Yên Sơn còn phát triển thành công hàng loạt cây trồng thế mạnh khác, từ đó cho ra đời những sản phẩm kinh tế chủ lực như: trà Ngọc Thúy, chè xanh Ngọc Thúy nõn; rượu 9 chum; Miến dong Hợp Thành; Ổi lê Tứ Quận; Măng khô Mỹ Bằng; Mật ong Bình Ca…
Theo Phòng NN&PTNT huyện, tại các xã an toàn khu như Trung Minh, Hùng Lợi, Trung Sơn, Công Đa, Đạo Viện... đang thúc đẩy quy hoạch trồng rừng sản xuất; khu vực các xã Mỹ Bằng, Nhữ Khê, Nhữ Hán được quy hoạch trồng chè nguyên liệu, các nhà máy chế biến đã được đầu tư bảo đảm sản xuất theo chuỗi.
Ngoài quy hoạch vùng trồng các cây chủ lực, huyện Yên Sơn cũng thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, trong đó vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt, lợn; vùng chăn nuôi thủy sản và vùng nuôi ong lấy mật.
Với thành công trong quá trình chuyển đổi, sản xuất nông nghiệp của Yên Sơn đang đi rất đúng hướng, có quy hoạch bài bản, thực hiện đúng quy hoạch, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa và lượng sản phẩm lớn.
Hiện tại, Yên Sơn đang đứng đầu tỉnh về sản lượng bưởi, gỗ rừng trồng và chè nguyên liệu và cũng là huyện có nhiều nhãn hiệu hàng hóa được công nhận nhất với hàng chục nhãn hiệu. Yên Sơn cũng là một trong 3 huyện đóng góp phần lớn vào giá trị sản xuất kinh tế nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang.
Dựa trên những nền tảng đang có, thời gian tới, huyện sẽ tập trung quản lý quy hoạch, sản xuất theo nhu cầu thị trường, tránh tình trạng phá rào quy hoạch, phát triển ồ ạt dẫn đến mất cân bằng cán cân cung cầu; tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ...
Bên cạnh đó, để phát triển sản xuất bền vững, gia tăng giá trị sản phẩm, huyện Yên Sơn sẽ chủ động khuyến khích tích tụ đất đai, tổ chức, liên kết sản xuất theo tổ nhóm, HTX, trong đó đặc biệt ưu tiên các HTX, doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; tập huấn kỹ thuật, mở rộng sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ cho nông dân, theo tiêu chuẩn FSC; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực; chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Lệ Chi