Huyện Sơn Dương có 25 xã thuộc khu vực III, khu vực II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực kinh tế chủ lực. Theo đó, huyện luôn xác định đổi mới phương thức sản xuất là điều kiện nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống người dân, xem đây là “chìa khóa” giảm nghèo bền vững tại các địa phương.
Đổi mới sản xuất để làm giàu
Đẩy mạnh chuyển giao khoa học – kỹ thuật là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở Sơn Dương thời gian qua. Nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, giá trị canh tác của người dân trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện.
Điển hình như mô hình trồng chè rộng hơn 4 ha của gia đình anh Nguyễn Mạnh Thắng, thôn Trung Long, xã Trung Yên. Trước đây, theo cách chăm sóc truyền thống, cây chè chỉ cho thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 11 âm lịch, rồi phải đốn cành, tạo tán chờ lứa chè Xuân.
Sơn Dương giảm nghèo hiệu quả từ mô hình trồng chè hữu cơ. |
Kể từ năm 2018 đến nay, gia đình anh Thắng đã chủ động ứng dụng công nghệ tưới phun mưa cho chè. Phương pháp này vừa đảm bảo độ ẩm cho cây, vừa giúp giảm thiểu lượng nước tưới trong mùa khô, qua đó giúp anh Thắng và các hộ trồng chè ở địa phương chủ động được quá trình tưới tiêu.
“Sản xuất hữu cơ kết hợp tưới nhỏ giọt là chìa khóa giúp năng suất chè ở Trung Yên được cải thiện đáng kể, đạt bình quân 90-100 tấn/ha/năm, cao hơn 20% so với trước, lại tiết kiệm 30% lượng nước tưới, giảm 30% chi phí chăm sóc. Chè có chất lượng cao nên giá cao hơn, chưa kể vụ chè trái vụ cũng giúp thu nhập gia tăng đáng kể”, anh Thắng phấn khởi nói.
Bên cạnh cây chè, mô hình trồng dưa chuột VietGAP cũng đang dần phát huy hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân huyện Sơn Dương. Đáng chú ý, HTX chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm, xã Tú Thịnh, đang là một trong những điểm tựa sản xuất cho nông dân địa phương.
Ông Nguyễn Văn Đoan, thôn Gò Hu, xã Vĩnh Lợi là một trong những hộ tiên phong trồng dưa chuột ở Sơn Dương cho hay, sau năm đầu tiên khởi điểm với diện tích gần 1 ha đối mặt với nhiều khó khăn trong tiêu thụ, năm 2020 với sự đồng hành của HTX, ông nâng diện tích sản xuất lên 2 ha khi thấy đầu ra có chuyển biến.
HTX khẳng định vai trò liên kết
Theo tính toán, dưa chuột có thời vụ trong khoảng 40 - 45 ngày, năng suất bình quân đạt 52 - 55 tấn/ha. Với giá bình quân hiện đạt trên 4.000 đồng/kg, các hộ sản xuất có thể thu về gần 200 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí, cao gấp nhiều lần trồng lúa truyền thống.
Đại diện HTX Minh Tâm cho biết, để mở rộng diện tích trồng dưa chuột, HTX đã phối hợp với các xã xây dựng các mô hình điểm để nông dân đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ thâm canh.
Sau khi ký hợp đồng tiêu thụ với người dân, HTX cung cấp giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo tiêu chuẩn an toàn sinh thái, đảm bảo cây dưa sinh trưởng, phát triển tốt, sản phẩm đạt tiêu chuẩn thu mua.
Với những thành công đang có, HTX Minh Tâm đang tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với HTX An Hòa, tranh thủ sự hỗ trợ của các ban ngành huyện Sơn Dương để xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa, hình thành thương hiệu dưa chuột mang tính đặc trưng thế mạnh tại địa phương.
“Để xây dựng chuỗi giá trị, trước hết cần mở rộng quy mô sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Sau đó là công tác kết nối tiêu thụ, xây dựng thị trường cả trong và ngoài tỉnh, đưa hàng hóa vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch”, vị đại diện HTX nhấn mạnh.
Cần đẩy mạnh liên kết, phát triển chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập cho nông dân. |
Có thể thấy, các HTX là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Sơn Dương. Thống kê cho thấy, đến nay, toàn huyện có trên 40 HTX nông, lâm nghiệp, với nhiều HTX điển hình như: HTX Vĩnh Tân (xã Tân Trào), HTX chè Ngân Sơn Trung Long (xã Trung Yên), HTX nông lâm nghiệp xã Đại Phú, HTX nấm sạch Bình Yên, HTX chăn nuôi và giống gia cầm Minh Tâm (xã Tú Thịnh)…
Hoạt động của các HTX cùng hiệu quả trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đang giúp huyện Sơn Dương phát triển thành công nhiều sản phẩm thế mạnh. Đến nay Sơn Dương đã có 33 sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm 4 sao, 24 sản phẩm 3 sao, góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản của địa phương.
Phát triển sản phẩm thế mạnh
Đề án thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Sơn Dương giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu đạt trên 31 sản phẩm được xếp hạng 3 sao OCOP trở lên, ít nhất mỗi xã có 1 sản phẩm OCOP được xây dựng, tiêu chuẩn hóa, tham gia đánh giá xếp hạng theo tiêu chuẩn OCOP.
Huyện cũng đặt mục tiêu nâng cấp một số sản phẩm 3 sao lên 4 sao, phát triển mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP. Ưu tiên mô hình thành lập HTX, đặc biệt là các đơn vị có sự tham gia quản trị của người địa phương. Xây dựng các sản phẩm OCOP tham gia chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Xây dựng các điểm bán hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Có thể thấy, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, thúc đẩy hình thành các sản phẩm thế mạnh cho giá trị cao, đồng thời phát huy vai trò của các HTX, doanh nghiệp, hình thành chuỗi liên kết… là những “chìa khóa” giúp ngành nông nghiệp huyện Sơn Dương nâng cao hiệu quả canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Thực tế cho thấy, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Sơn Dương hiện vẫn còn phải đối diện không ít thách thức. Toàn huyện hiện còn hơn 9.000 hộ nghèo đa chiều, chiếm tỷ lệ 18,27% tổng dân số. Tuy nhiên, nếu những giải pháp trong thời gian qua tiếp tục được phát huy tốt, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện sẽ giảm nhanh.
Thời gian tới, huyện Sơn Dương dự kiến tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ về vốn, khoa học – kỹ thuật giúp người nông dân phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, hình thành các mô hình trồng trọt có ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo tốt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Đồng thời, huyện cũng chủ động nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong việc liên kết các hộ nông dân nhằm nâng cao năng lực sản xuất, hình thành chuỗi giá trị, thu hút các doanh nghiệp đối tác hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, từ đó tạo điểm tựa vững chắc cho các hộ bứt lên, thoát nghèo, làm giàu.
Mỹ Chí