Phổng Lái đã xây dựng vùng tập trung chuyên sản xuất chè an toàn |
Ông Nguyễn Văn Báu, Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái, cho biết cây chè được người dân trồng nhiều năm nay. Tuy nhiên trước đây, do sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, việc áp dụng khoa học kĩ thuật gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, người trồng chè còn sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng chè không cao, môi trường bị ảnh hưởng không nhỏ.
Trồng chè VietGAP
Đánh dấu bước phát triển là từ khi người dân xã Phổng Lái chuyển mình, thực hiện phát triển cây chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là hướng đi mới, mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ nông dân, đồng thời xây dựng thương hiệu cho cây chè địa phương.
Phổng Lái đã xây dựng vùng tập trung chuyên sản xuất chè an toàn, người dân dần làm quen với phương thức sản xuất chè mới, thay cho cách làm thủ công kém hiệu quả trước kia. Việc sản xuất chè được tiến hành theo một quy trình khép kín từ khâu chăm sóc, thu hoạch, cho đến khâu chế biến và bảo quản chè. Tất cả đều phải đảm bảo an toàn để tạo ra những sản phẩm chè sạch, chất lượng cao.
Hiện nay, người dân xã Phổng Lái đã thực hiện chăm sóc chè bằng máy móc hiện đại, xây dựng hệ thống ống ngầm và máy tưới dạng phun để tưới chè trên diện tích lớn.
Không chỉ bán chè tươi, nhiều hộ dân đã liên kết, cùng đầu tư máy móc, xây dựng cơ sở chế biến, đóng gói chè. Nhiều hộ đã không ngại khó, ngại khổ đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm sản xuất chè sạch, chè an toàn về áp dụng vào sản xuất.
Bên cạnh đó, sự ra đời của HTX, THT trồng, chế biến chè, cùn sự liên kết với các doanh nghiệp đã hỗ trợ tích cực bà con nông dân về vốn, kĩ thuật, đầu ra. Các HTX,THT, doanh nghiệp cũng tích cực chuyển giao khoa học kĩ thuật để người dân thay đổi tập quán canh tác chè truyền thống, ít hiệu quả sang sản xuất hàng hóa…Đây cũng là điều kiện thuận lợi để sản phẩm chè sạch Phổng Lái tiếp tục vươn xa.
Việc phát triển cây chè VietGAP đang là thế mạnh kinh tế của địa phương, góp phần giúp người dân có thu nhập, việc làm ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.
Động lực phát triển kinh tế, xã hội
Gia đình anh Lường Văn Thích, bản Khau Lay, trước đây thường thiếu ăn vì chỉ có mấy nương ngô. Nhưng từ khi được cấp ủy, chính quyền địa phương động viên, hướng dẫn, với quyết tâm vượt qua đói nghèo, anh Thích mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng 5.000 m2 chè. Hiện nay, cây chè sinh trưởng tốt và cho năng suất cao, hàng năm cho thu nhập ổn định.
Xã Phổng Lái hiện đã có hơn gần 400 ha chè, năng suất bình quân đạt 9 tấn/ha. Đầu tư thâm canh cây chè theo tiêu chuẩn sạch, an toàn, nhiều hộ gia đình đã có của ăn của để, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm dưới mức 20%, ngày càng có nhiều hộ khá và giàu.
Đặc biệt, phát triển sản xuất chè, đời sống người dân ổn định, nên từ nhiều năm nay, địa phương đã không còn tình trạng du canh du cư. Hệ thống cơ sở trường học đã được đầu tư xây dựng. 5/6 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia.100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Không còn tình trạng nhà dột nát, tạm bợ. Tính đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người tại xã Phổng Lái đạt 26 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 8,7%.
Để phát triển chè bền vững, người dân và các cấp chính quyền xã Phổng Lái đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm chè VietGAP của địa phương. Đồng thời, tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn để giúp họ có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Nỗ lực thoát nghèo của bà con xã đã góp phần xây dựng Phổng Lái ngày càng trù phú, đưa vùng đất này dần trở thành một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Như Yến