Những năm qua, các mô hình kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn huyện ngày càng được phát huy hiệu quả. Toàn huyện hiện có 40 HTX và 105 tổ hợp tác đang hoạt động, trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế nông, lâm nghiệp của huyện ngày càng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.
Liên kết làm nông nghiệp sạch
Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 6/2018 theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, HTX Bình Minh, xã Trần Phú hiện có 16 thành viên và hàng chục hộ nông dân liên kết. Quyết tâm không đi theo “lối mòn” với các loại cây lương thực truyền thống, HTX xây dựng mô hình trồng rau màu VietGAP, hữu cơ.
HTX đang có dấu ấn đậm nét trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa ở Na Rì. |
Giám đốc Bàn Hữu Thân cho biết, HTX Bình Minh đang triển khai đa canh nhiều loại rau chất lượng cao, với các giống cây chủ lực như bí thơm trên diện tích 10 ha, khoai tây gần 20 ha, rau bắp cải, su hào, dưa chuột, mướp đắng và đậu đỗ các loại theo mùa, tổng diện tích 7 ha.
Sản xuất trên quy mô lớn, bình quân mỗi năm, HTX thu về trên 70 tấn bí thơm, 60 - 70 tấn khoai tây, gần 200 tấn rau, đỗ các loại. Nhờ giá bán ổn định, người tiêu dùng tin tưởng, doanh thu từ các sản phẩm rau màu của HTX đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
Để có được thành công như vậy, những năm qua, HTX đã tích cực chuyển giao khoa học - kỹ thuật, định hướng các thành viên, hộ liên kết phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, vừa tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao, vừa đảm bảo an toàn sinh thái.
Đơn cử, trong quá trình chăm sóc cây trồng, thành viên HTX ưu tiên sử dụng các loại phân chuồng hoai mục kết hợp phân vi sinh, phân hữu cơ, giảm thiểu việc sử dụng các loại phân bón hóa học, "nói không" với thuốc trừ sâu độc hại.
Các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dù đã tuyển chọn kỹ, an toàn theo danh mục cho phép, vẫn được HTX sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng”, gồm đúng loại, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian.
Tương tự, những năm gần đây, nhu cầu đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường đối với miến dong ngày càng tăng cao, vì thế, HTX Huấn Liên, xã Côn Minh đã chuyển sang trồng dong riềng lai DR1 theo phương pháp hữu cơ. Qua đó, tạo ra vùng nguyên liệu sạch phục vụ sản xuất miến chất lượng cao.
Tạo chuyển biến toàn diện
Ông Trịnh Xuân Huân, Giám đốc HTX miến dong Huấn Liên, chia sẻ sở dĩ là miến dong sạch là bởi HTX sản xuất theo quy trình khép kín. Từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch dong riềng, đến làm bột dong và sản xuất miến dong thành phẩm đều được HTX giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Na Rì đang có nhiều nông sản có thương hiệu mạnh, được thị trường ưa chuộng, mang lại giá trị cao. |
Khi chưa được tỉnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP, quảng bá, miến dong tại HTX dù có tiếng nhưng chỉ bán loanh quanh vài tỉnh miền núi phía Bắc. Đến nay, miến dong Huấn Liên đã có mặt từ Nam chí Bắc, xây dựng chuỗi cung ứng được với các đại lý tiêu thụ ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên,… ổn định thị trường.
Mặc dù, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng hiện HTX vẫn cố gắng duy trì sản xuất và đảm bảo thu nhập cho mỗi thành viên từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng.
Hiệu quả của khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang góp phần giúp kinh tế nông, lâm nghiệp huyện Na Rì có những bước tiến tích cực trong thời gian qua.
Tính đến hết quý II/2021, diện tích nhiều loại cây trồng trên địa bàn huyện Na Rì cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch như lúa gieo cấy được 3.852,21 ha, đạt 100,06% kế hoạch; cây ngô đến thời điểm này trồng được 3.315,78 ha, đạt 100,4% kế hoạch; rau các loại trồng được 562,34 ha đạt 112,4% kế hoạch…
Ngoài ra, huyện thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn như cây dong riềng, rau các loại, cây thạch đen, dược liệu. Đặc biệt, cây dược liệu đang trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện.
Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP được huyện triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm cho người dân và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến nay, huyện có 22 sản phẩm OCOP, trong đó 21 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, riêng sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan được chứng nhận 5 sao.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đã trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, thị trường nước ngoài tin tưởng lựa chọn, điển hình như các sản phẩm miến dong, cam, quýt, hồng không hạt…
Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung chăm sóc, thu hoạch cây hoa màu vụ mùa, triển khai kế hoạch vụ Đông, phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi, khuyến khích chăn nuôi tập trung tại các gia trại, trang trại, hướng dẫn người dân đầu tư thâm canh, tăng năng suất nuôi trồng thủy sản, tập trung xây dựng nông thôn mới, phát triển các sản phẩm OCOP…
Hưng Nguyên