Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Yên Thủy luôn quan tâm tạo điều kiện để kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) phát triển. Nhờ vậy, hoạt động của HTX có nhiều khởi sắc, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Xoá đói giảm nghèo nhờ cây cà gai leo
Xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, với phần lớn diện tích là đất đồi, cây trồng chủ yếu là bí các loại nhưng vì điều kiện địa lý chưa thuận lợi cho việc tiêu thụ, vật lộn với bài toán được mùa mất giá khiến người nông dân nhụt chí, bỏ ruộng. Nhận thấy địa hình phù hợp với cây cà gai leo lại tận dụng được lượng nhân công bản địa thông thạo địa hình, thổ nhưỡng, anh Bùi Quý Hợi đã mạnh dạn thành lập HTX trồng cà gai leo làm dược liệu. Năm 2016, HTX Nông Lâm Bảo Hiệu được thành lập, anh Hợi không chỉ cung cấp miễn phí cây giống cà gai leo mà còn hướng dẫn kỹ thuật trồng cà gai leo và đứng ra bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con.
Bình quân mỗi ha cà gai leo của các thành viên HTX Nông Lâm Bảo Hiệu đạt doanh thu trên 400 triệu đồng. |
Theo anh Bùi Quý Hợi, Giám đốc HTX Nông Lâm Bảo Hiệu, để có được sản phẩm chất lượng thì cần phải đi đôi với việc nguyên liệu đầu vào ổn định, vì thế, HTX đã đầu tư xây dựng mô hình trồng cây nguyên liệu, đồng thời liên kết với hơn 30 hộ thành viên trong việc trồng cà gai leo. Với các hộ liên kết, HTX cam kết hỗ trợ mọi nguyên liệu vật tư đầu vào cũng như ký kết giá bán sản phẩm sau khi thu hoạch. Được đảm bảo về đầu ra cho sản phẩm, bà con nông dân xã Bảo Hiệu và các xã lân cận đã yên tâm sản xuất trên chính mảnh đất của mình. Với năng suất bình quân 12 tấn khô/ha, nguyên liệu cà gai leo được HTX bao tiêu thu mua toàn bộ với giá ổn định 35.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ha cà gai leo đạt doanh thu trên 400 triệu đồng.
Để xây dựng thương hiệu cà gai leo phát triển bền vững, HTX đã liên kết với các đối tác cho ra sản phẩm trà túi lọc cà gai leo có giá từ 150.000 – 290.000 đồng/50g – 125g, trà túi lọc 40.000 đồng/hộp. Bình quân mỗi năm, HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ 25.000 – 30.000 sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm cao cà gai leo của HTX được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Nhờ sự hỗ trợ từ HTX Nông Lâm Bảo Hiệu, phần lớn diện tích bỏ hoang trên địa bàn đã được phủ xanh, đời sống các thành viên ngày càng được nâng cao. Kinh tế được cải thiện, đời sống tinh thần của người dân cũng tăng tiếp cận đa chiều, các kiến thức về xã hội, y tế, giáo dục cũng được người dân cập nhật từ sớm, nhờ đó trình độ dân trí được cải thiện, các chính sách đi vào đời sống nhân dân thuận lợi, hiệu quả và thiết thực hơn.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Xã Yên Trị cũng là một trong những “điểm sáng” trong chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả và các vùng vườn tạp sang trồng cây dược liệu. Theo đó, mô hình chuyển đổi cây trồng sang trồng cây dược liệu quý đã được xã triển khai trong 4 năm nay. Đến nay, giá trị trồng cây dược liệu đã mang lại cho bà con cao hơn khoảng 3 lần so với trồng lúa, từ đó tạo công ăn việc làm, kinh tế bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cho bà con nhân dân...
Tuy nhiên, không thể không nhắc đến vai trò của HTX Nông nghiệp Yên Trị. Ông Bùi Phi Nam, Giám đốc HTX cho biết: Xạ đen là một loại thảo dược giá trị. Vì vậy, cùng với phát triển sản xuất, kinh doanh, HTX đã khuyến khích, giúp đỡ các hộ trên địa bàn xã, huyện phát triển trồng loại cây này.
Sản phẩm cao xạ đen của HTX Nông nghiệp Yên Trị được chứng nhận sản phẩm OCOP. |
Giám đốc HTX kể, nếu như trước đây sản xuất, chế biến các sản phẩm cao dược liệu theo phương thức thủ công, thu nhập của thành viên chỉ đạt từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ khi HTX ứng dụng công nghệ cao đầu tư hệ thống tưới tự động cho vườn dược liệu, hệ thống chế biến, đóng gói sản phẩm hiện đại, khép kín... đã mang lại hiệu quả cao về năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, nâng mức thu nhập cho thành viên gấp 1,5 - 2 lần so với trước.
Theo ông Nam: Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất không chỉ góp phần làm gia tăng giá trị sản phẩm mà còn giảm chi phí nhân công, nâng cao năng suất cây trồng. Như việc đưa công nghệ tưới tự động, tưới nhỏ giọt và bón phân tự động có kiểm soát đảm bảo cho cây dược liệu được cung cấp độ ẩm, chất dinh dưỡng để sinh trưởng, phát triển trong điều kiện lý tưởng khi thời tiết khô hạn, cho năng suất cao, có thể đạt giá trị thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm.
Đáng chú ý, sản phẩm từ cây xạ đen có đầu ra ổn định, là sản phẩm chủ lực giúp nâng cao đời sống của nông dân. Với mức giá 250.000 đồng/hộp cao xạ đen khối lượng 100g, từ đầu năm đến nay, HTX đã tiêu thụ trên 1.000 sản phẩm tại thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Gia Lai, Bình Định, Quảng Ninh... Hiện nay diện tích chuyển đổi cây dược liệu từ vườn tạp, đất xấu, kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu giá trị cao của HTX đạt khoảng 35 ha, thu hút 45 hộ dân tại HTX Nông nghiệp Yên Trị và 100 hộ dân khác cùng tham gia.
Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Yên Thủy luôn quan tâm tạo điều kiện để KTTT mà nòng cốt là HTX phát triển. Nhờ vậy, hoạt động của HTX có nhiều khởi sắc, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Ông Bùi Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển KTTT huyện Yên Thủy, cho biết nhằm thúc đẩy hoạt động của các HTX, UBND huyện, Ban chỉ đạo phát triển KTTT huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật HTX năm 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP và các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về KTTT. Chú trọng xây dựng, phát triển các mô hình HTX kiểu mới, hoạt động gắn với các chuỗi giá trị nông sản an toàn. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hướng đến liên kết trong sản xuất, chế biến, xây dựng nhãn hiệu, tiêu thụ hàng hóa.
Để thúc đẩy phát triển sản phẩm lợi thế, huyện Yên Thủy đã có nhiều hoạt động khuyến khích, ưu tiên, thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp tham gia hợp tác, liên kết với các tổ chức KTTT; đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa tạo cánh đồng lớn cho sản xuất tập trung, cấp mã định danh vùng trồng, ưu tiên nguồn lực cho chế biến sản phẩm.
Cùng với đó, huyện thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX; phối hợp Liên minh HTX tỉnh triển khai chính sách hỗ trợ HTX thành lập mới. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp.
Đến nay, toàn huyện có hơn 1.200 hộ đã hợp tác, góp vốn, góp sức hình thành 40 tổ hợp tác, 41 hợp HTX, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Đặc biệt, toàn huyện hiện có 13 sản phẩm của các HTX đạt chuẩn OCOP. Trong đó, 3 sản phẩm được công nhận 4 sao là: cao cà gai leo của HTX nông lâm nghiệp Bảo Hiệu, dầu lạc an toàn của HTX nông nghiệp an toàn Yên Thuỷ, bưởi Đại Đồng của HTX nông nghiệp Đại đồng.
Bên cạnh đó, 10 sản phẩm 3 sao gồm: mật ong Lạc Lương của HTX Yên Tân, mật ong Lạc Sỹ của HTX nông nghiệp Lạc Sỹ, mật ong Đoàn Kết của HTX dịch vụ xây dựng nông nghiệp Đại Lợi, dầu vừng đen của HTX nông nghiệp an toàn Yên Thuỷ, cao xạ đen Hòa Bình và cao dạ cẩm của HTX nông nghiệp Yên Trị, hành tăm muối của HTX nông nghiệp Phú Lai, bột khoai sọ Thịnh Phát của HTX thương mại và dịch vụ Thịnh Phát, trà mâm xôi tím - cà gai leo của HTX nông lâm nghiệp Bảo Hiệu.
Ông Bùi Huyên cho biết: Định hướng phát triển KTTT trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp Liên minh HTX tỉnh nâng cao chất lượng hoạt động quản trị và kế toán cho các HTX. Tiếp tục hỗ trợ các HTX về nguồn lực như vay vốn, tiếp cận đất đai xây dựng nhà xưởng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn hỗ trợ các HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
"Huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ HTX tham gia các sàn giao dịch điện tử, hội chợ, triển lãm, giúp các HTX mở rộng liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao hiệu quả của KTTT trong giai đoạn mới. Mục tiêu chung là củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực sản xuất, sức cạnh tranh, năng lực thích ứng của tổ chức KTTT trong tình hình mới. Tăng cường vai trò nòng cốt của KTTT trong tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội", ông Huyên nói.
Hoàng Hà